Đền Thượng Bồng Lai – Chốn thanh tịnh xoa dịu những tâm hồn bị tổn thương

Trần Thanh Loan

Trần Thanh Loan

Content Writer16/04/2021

Cao Phong Hòa Bình là một vùng đất cổ giàu truyền thống với cái tên gọi xưa là Mường Thàng. Đây là một trong bốn mường lớn, giàu có và trù phú nhất tại Hòa Bình “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Trong suốt chiều dài của lịch sử, cư dân nơi đây đã sáng tạo lên những di sản văn hóa vừa đa dạng, vừa phong phú, đặc sắc. Đền Thượng Bồng Lai chính là một trong số những di sản văn hóa đó. Nơi đây là thắng cảnh tuyệt đẹp đúng như tên gọi, có địa thế rộng rãi, thoáng đạt. Kiến trúc của đền vừa mang dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn giữ được nét linh thiêng, cổ kính. Hãy cùng Justfly đi tìm hiểu thật kỹ về ngôi đền đầy sự kỳ bí và huyền ảo này thôi nào!

Nôi dung

  • 1. Vị trí
  • 2. Vài nét giới thiệu về đền Thượng Bồng Lai
  • 3. Không gian văn hóa tâm linh đầy huyền ảo tại đền Thượng Bồng Lai
  • 4. Đến đền Thượng Bồng Lai thì làm gì?

Cao Phong Hòa Bình là một vùng đất cổ giàu truyền thống với cái tên gọi xưa là Mường Thàng. Đây là một trong bốn mường lớn, giàu có và trù phú nhất tại Hòa Bình “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Trong suốt chiều dài của lịch sử, cư dân nơi đây đã sáng tạo lên những di sản văn hóa vừa đa dạng, vừa phong phú, đặc sắc. Đền Thượng Bồng Lai chính là một trong số những di sản văn hóa đó. Nơi đây là thắng cảnh tuyệt đẹp đúng như tên gọi, có địa thế rộng rãi, thoáng đạt. Kiến trúc của đền vừa mang dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn giữ được nét linh thiêng, cổ kính. Hãy cùng Justfly đi tìm hiểu thật kỹ về ngôi đền đầy sự kỳ bí và huyền ảo này thôi nào!




1. Vị trí

Đền Thượng Bồng Lai tọa lạc dưới chân núi Đầu Rồng, thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10km về phía nam.


2. Vài nét giới thiệu về đền Thượng Bồng Lai

Đền Thượng Bồng Lai (hay còn gọi là đền Bồng Lai) thờ phụng Đệ nhị thượng ngàn tiên nương (tức Cô Đôi Thượng Ngàn) cùng với các chư vị tiên thánh Tứ Phủ. Tương truyền, đây là nơi mà Cô Đôi gặp Thánh Mẫu Đệ nhị (Mẫu Thượng Ngàn) và chính là nơi hóa của Cô. Ngôi đền này được xây dựng vào năm 1890 và đã được trùng tu lại khang trang vào cuối năm 2013 với tổng diện tích hơn 5000m2 nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo du khách thập phương.

Bước qua cánh cổng Tam Quan của đền là một khoảng sân rộng rãi, hai bên là hai dãy nhà dải vũ. Dãy bên trái thờ các Cô (Tứ Phủ Thánh Cô) và dãy bên phải thì thờ các Cậu (Tứ Phủ Thánh Cậu). Tòa đại bái của đền gồm có 3 gian được trang trí nhiều phù điêu, liễn đối, bao lam hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy, trang nghiêm. Gian bên ngoài cùng thờ Công đồng, Quan Điều Thất (Quan Lớn Điều Thất) và Quan Hoàng Triệu (Quan Hoàng Đôi).

Gian thứ hai thờ phụng Ngọc Hoàng, Tứ Phủ Thánh Hoàng và Trần Triều. Gian thứ ba thờ phụng Tứ Phủ Thánh Bà, Sơn Trang Thượng, Sơn Trang Thoải. Hậu cung chính là nơi đặt khám thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Cô Đôi Thượng Ngàn. Hiện tại, ở đền Bồng Lai còn lưu giữ một vài cổ vật có giá trị như hai đạo sắc phong của các đời vua và chiếc chuông cổ từ đời vua Thành Thái (1889 – 1907).


3. Không gian văn hóa tâm linh đầy huyền ảo tại đền Thượng Bồng Lai

Với không gian kiến trúc độc đáo, vừa có những chi tiết hiện đại lại vừa mang nét cổ kính, truyền thống của dân tộc đã giúp cho đền Thượng Bồng Lai thu hút nhiều du khách thập phương ghé thăm. Hồ nước rộng ngay trước đền không những mang lại cảnh quan đẹp mà còn tạo cho ta cảm giác mát lành, thanh tịnh.

Không những nổi bật về kiến trúc đẹp, đền Bồng Lai còn thu hút các du khách bởi không gian thanh tịnh cùng với màu xanh bạt ngàn của núi rừng Tây Bắc. Phía sau ngôi đền là ban thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và hệ thống những hang động kỳ thú, thế giới nhũ đá lung linh huyền ảo như động Không Đáy, động Nhãn Long Sơn, động Hoa Sơn Thạch, động Phong Sơn,...

Đền Thượng Bồng Lai có 4 ngày lễ chính trong năm gồm lễ khai xuân (vào 14/1 âm lịch), lễ tiệc Cô Đôi thủ đền (vào 2/2 âm lịch), lễ vào hè (vào 14/4 âm lịch) và lễ tất niên (vào 14/12 âm lịch). Đền Bồng Lai cùng với quần thể thắng cảnh tại núi Đầu Rồng đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2012


4. Đến đền Thượng Bồng Lai thì làm gì?

Tất nhiên, việc đầu tiên bạn có thể làm khi đến đền Thượng Bồng Lai chính là đi hành lễ. Mùi hương khói cùng sự tĩnh mịch nơi đây khiến cho con người ta cảm thấy thật bình yên và dễ chịu. Với tấm lòng chân thành và hướng thiện, chắc chắn bạn sẽ được các chư vị thánh thần phù hộ thôi!

Đến với đền Thượng Bồng Lai, bạn còn được khám phá, trải nghiệm phong cảnh hùng vĩ của dãy núi Đầu Rồng, trải dài như con rồng khổng lồ đang phủ phục. Khung cảnh kỳ vĩ như vậy nằm ẩn sâu trong không gian thoáng đãng cũng khiến cho bao lo toan, áp lực bị cuốn trôi hết.

Các hang động xung quanh đền Thượng Bồng Lai đều là kỳ quan tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Hòa Bình. Chúng được phân bố khá đều trong dãy núi, khoảng cách giữa các điểm chỉ có vài trăm mét. Trái ngược với cái nóng bức oi ả của mùa hè, cửa các hang động này tỏa ra một lượng khí mát lạnh với nhiệt độ trung bình dao động từ 17 – 19 độ C như thể không khí của chốn thiên thai. Chính vì vậy bạn có thể tham quan các hang động này, vừa để check in những bức hình tuyệt đẹp, vừa để tránh đi cái nóng bức, ngột ngạt của mùa hạ.

Vậy là Justfly đã giới thiệu đến bạn những thông tin bổ ích về đền Thượng Bồng Lai rồi. Tất cả mọi thứ tại đền đều tạo nên một quang cảnh đẹp tựa chốn bồng lai, để lại một ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách khi có dịp ghé thăm nơi đây. Sự kết hợp độc đáo giữa việc đi lễ đền cầu tài lộc, bình an và sức khỏe trong năm mới và tham quan quần thể hang động khiến cho khách du lịch như lạc vào chốn tiên cảnh. Chính vì thế, bạn hãy nhanh chóng rủ gia đình khi có cơ hội nhớ ghé thăm đền Thượng Bồng Lai để tâm hồn được thư giãn và bình lặng nhé!

Đăng ký nhận ngay khuyến mãi

Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn

Bạn đang tìm kiếm ...

Zalo logo
Chat Zalo(8h - 24h)
Chat Facebook(8h - 24h)
0968 368 678(8h - 24h)