Thành Cổ Loa - hành trình khám phá tòa thành cổ nhất Việt Nam

Nguyễn Quang Trung

Nguyễn Quang Trung

Travel Expert03/10/2022

Từ bao đời nay, truyền thuyết về vua An Dương Vương xây thành, về chiếc nỏ thần Kim Quy và cả mối tình bi thương của công chúa Mỵ Châu cùng chàng Trọng Thuỷ đã trở thành câu chuyện gối đầu giường trong đời sống văn hoá tinh thần của mỗi người dân Việt. Gắn liền với câu chuyện ấy chính là di tích thành Cổ Loa còn được lưu giữ đến tận ngày nay. Giờ bạn hãy cùng Justfly khám phá di tích cổ kính này nhé.

Nôi dung

  • 1. Thành Cổ Loa ở đâu?
  • 2. Thời điểm thích hợp để tham quan thành Cổ Loa
  • 3. Cách di chuyển đến thành Cổ Loa
  • 4. Vẻ đẹp kiến trúc và ý nghĩa lịch sử của thành Cổ Loa
  • 5. Hoạt động tham quan thành Cổ Loa
  • 6. Ăn gì khi tham quan thành Cổ Loa?
  • 7. Kinh nghiệm tham quan thành Cổ Loa
  • 8. Địa điểm tham quan kết hợp khi du lịch thành Cổ Loa

Từ bao đời nay, truyền thuyết về vua An Dương Vương xây thành, về chiếc nỏ thần Kim Quy và cả mối tình bi thương của công chúa Mỵ Châu cùng chàng Trọng Thuỷ đã trở thành câu chuyện gối đầu giường trong đời sống văn hoá tinh thần của mỗi người dân Việt. Gắn liền với câu chuyện ấy chính là di tích thành Cổ Loa còn được lưu giữ đến tận ngày nay. Giờ bạn hãy cùng Justfly khám phá di tích cổ kính này nhé.


1. Thành Cổ Loa ở đâu?

Thành Cổ Loa

Nằm cách trung tâm thành phố 24km, khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải rộng trên địa phận 3 xã là Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Với diện tích lên tới 500ha đây là tòa thành có niên đại cổ nhất Việt Nam. Được xây dựng từ thế kỷ thứ III TCN dưới thời vua An Dương Vương, thành Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ X. Ngày nay, Thành Cổ Loa là địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng được nhiều du khách tìm về để tìm hiểu, khám phá lịch sử và tham quan kiến trúc.


2. Thời điểm thích hợp để tham quan thành Cổ Loa

Nếu bạn có kế hoạch tham quan thành Cổ Loa trong hành trình du lịch Hà Nội của mình và tận hưởng không khí nhộn nhịp của nơi đây thì bạn nên đi vào dịp tháng Giêng hằng năm bởi đây là thời điểm diễn ra lễ hội Cổ Loa. Hội Cổ Loa bắt đầu khai mạc vào ngày mùng 6 và kéo dài tới ngày 16 với các hoạt động vô cùng thú vị đặc sắc như các nghi thức tế lễ, đám rước, các trò chơi dân gian, lễ tế tạ trời đất… Còn nếu bạn muốn chiêm ngưỡng một Cổ Loa cổ kính, yên bình thì bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.


3. Cách di chuyển đến thành Cổ Loa

Nằm không quá cách xa trung tâm **Hà Nội **lại thêm đường xá thuận lợi, dễ đi nên bạn có thể đến tham quan thành Cổ Loa bằng bất kì phương tiện nào, có thể là xe máy, ô tô hay xe buýt.

Xe bus:

Có khá nhiều tuyến xe bus di chuyển đến Cổ Loa. Tùy vào vị trí xuất phát mà bạn hãy lựa chọn tuyến xe buýt phù hợp với mình. Bạn có thể tham khảo một vài tuyến dưới đây:

Tuyến 15: Bến xe Gia Lâm – Phố Nỉ

Tuyến 17: Long Biên – Nội Bài

Tuyến 46: Bến xe Mỹ Đình – Thị trấn Đông Anh

Tuyến 59: Thị trấn Đông Anh – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Giá vé giao động từ 7.000 đồng - 9.000 đồng/ lượt.

Phương tiện cá nhân: ô tô, xe máy

Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể đi theo các gợi ý dưới đây:

Xuất phát từ cầu Thăng Long: bạn di chuyển theo tuyến đường ra Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long – rẽ xuống Hải Bối - đường 6 km - ra quốc lộ 3 - đường Cổ Loa.

Xuất phát từ cầu Chương Dương: bạn di chuyển từ trung tâm thành phố - cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - cầu Đông Trù - đường Tiên Hội - Quốc Lộ 3 - đường Cổ Loa.

Xuất phát từ cầu Nhật Tân: bạn di chuyển từ trung tâm thành phố - cầu Nhật Tân - rẽ xuống đường 5 kéo dài - tới ngã 3 rẽ ra Quốc Lộ 3 - đường Cổ Loa.


4. Vẻ đẹp kiến trúc và ý nghĩa lịch sử của thành Cổ Loa

4.1. Kiến trúc thành Cổ Loa

Kiến trúc thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên được gọi là Loa thành. Tương truyền rằng thành có tới 9 vòng thành xoáy trôn ốc, tuy nhiên theo khai quật khảo cổ thì hiện nay chỉ còn 3 vòng. Thành được chia làm 3 khu vực chính:

  • Thành ngoại: Thành được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề với chu vi khoảng 8km. Chiều cao trung bình của các lũy xưa là từ 4 - 5m tuy nhiên cũng có một vài lũy đặc biệt được xây cao tới 8 - 12m tiêu tốn khoảng 2,3 triệu m3 đất.

  • Thành trung: Được xây dựng có kết cấu như thành ngoại nhưng thành trung có diện tích hẹp và kiên cố hơn với chu vi chỉ khoảng 6,5km.

  • Thành nội: Đây là nơi ở của vua cùng một số quan lại triều đình có chu vi khá nhỏ chỉ khoảng 1,65km. Ngày nay khu vực này đã được nhân dân xây dựng đền thờ vua An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu và là nơi quy tụ những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng.

4.2. Ý nghĩa lịch sử của thành cổ

Dưới thời Âu Lạc, Cổ Loa tọa lạc tại một vị trí vô cùng đắc địa, nằm trên đỉnh của tam giác châu thổ Sông Hồng, là đầu mối quan trọng của cả đường bộ và đường thủy, là nơi chứng kiến giai đoạn phát triển mới của cư dân Việt cổ. Bởi vậy mà nơi đây đã được chọn làm kinh đô của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ III TCN và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ X SCN.

Đây là nơi lưu giữ hàng loạt di chỉ khảo cổ phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc Việt Nam từ sơ khai qua các thời kỳ. Nhờ vậy mà các nhà khảo cổ học đã khám phá ra văn hoá Đông Sơn độc đáo, giá trị hay còn được gọi nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.

Được đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn và bậc nhất và cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”, hiện nay Cổ Loa đã được công nhận là một trong 21 khu du lịch Quốc gia. Đến đây, bạn sẽ được tham quan quần thể các công trình nổi tiếng như đền thờ An Dương Vương, đình Cổ Loa, đền Thượng, giếng Ngọc, tượng Cao Lỗ, am Mỵ Châu… tất cả đều nằm trong khu di tích thành Cổ Loa.


5. Hoạt động tham quan thành Cổ Loa

5.1. Đền thờ An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình tham quan thành Cổ Loa đó là đền thờ An Dương Vương. Nằm ở vị trí trung tâm Thành trong, đền còn có tên gọi khác là đền Thượng. Trước kia đây cũng được coi là nơi ở của Vua Thục Phán. Đền được xây dựng dưới thời vua Lê năm 1687 và được trùng tu năm 1893. Tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng vẻ uy nghi của ngôi đền vẫn không thay đổi cho đến tận ngày hôm nay.

Tọa lạc trên một gò đất hình đầu rồng, đền thờ An Dương Vương được bao bọc hai bên bởi hai cánh rừng, phía bên dưới còn có hai hố tròn gọi là mắt rồng. Đứng từ đây quan sát, bạn sẽ thấy một hồ nước lớn nằm ngay phía trước đền. Bên trong hồ có Giếng Trọng Thủy hay còn gọi là Giếng Ngọc, nơi Trọng Thủy đã gieo mình tự vẫn theo như trong truyền thuyết.

Tham quan bên trong đền, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những di vật lịch sử như tượng An Dương Vương được đúc bằng đồng vào năm 1879, hai con ngựa hồng – bạch được hoàn thành vào năm 1716 cùng vô số các món đồ cổ bằng sứ, gỗ, đồng, vải. Phía trước cổng đền được canh giữ bởi 2 con rồng đá. Dưới bàn tay của những người nghệ nhân Việt, con rồng được tạo hình thân uốn lượn, tay vuốt râu với những chi tiết chạm khắc vô cùng tinh tế mang đậm lối kiến trúc của thời Lê. Đền có nhiều cửa ra vào, khu vực chính giữa là điện thờ Vua, nằm phía trong ở hai bên là nơi thờ Hoàng Hậu và thờ Mẫu.

5.2. Ngự triều di quy – đình Cổ Loa

Ngự triều di quy – đình Cổ Loa

Tham quan đền thờ An Dương Vương, điểm dừng chân tiếp theo sẽ là Ngự triều di quy. Tương truyền rằng đây vốn là một ngôi đình cổ được chuyển từ nơi khác về và được dựng lại vào cuối thế kỉ XVIII, ngay trên khu đất, nơi vua Thục Phán thiết triều từ xa xưa. Hiện nay, đền còn được biết đến với tên gọi là Ngự Đình hay đình Cổ Loa.

Kiến trúc ngôi đình mang đến cho du khách một cảm giác vô cùng bề thế, vững chãi. Hình ảnh mái đình cong vút mang đậm dấu ấn phong cách của dân tộc. Phía trên cột đình có sự hiện diện của đôi câu đối do chính thủ lĩnh Cần Vương Tôn Thất Thuyết từng nói về thành Cổ Loa.

Bước chân vào bên trong đình, ngay lập tức bạn sẽ bị thu hút bởi những bức chạm khắc vô cùng tinh tế, tỉ mỉ và khéo léo. Nào tấm hoành phi ghi bốn chữ “Ngự triều di quy” nào bức cửa võng chạm hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) hay tứ quý (đào, cúc, trúc, mai) tất cả đều được thếp vàng rực rỡ. Không những vậy, bên trong đình còn lưu giữ và trưng bày rất nhiều di tích khảo cổ niên đại hàng nghìn năm có giá trị lịch sử vô cùng quý giá. Tiểu biểu đó là những mũi tên bằng đồng từ thời An Dương Vương.

5.3. Am Bà Chúa

Am Bà Chúa

Nằm ngay bên trái đình Cổ Loa là Am Bà Chúa. Nơi đây được dân làng gọi là mộ Mị Châu, nơi thờ công chúa Mị Châu. Ấn tượng đầu tiên khi bạn đặt chân đến Am Bà Chúa chính là hình ảnh của cây đa nghìn năm tuổi tỏa bóng mát xum xuê như dang tay che chở, bảo vệ am nhỏ. Dáng vẻ u tịch của khung cảnh như muốn gợi nhớ du khách về câu chuyện tình ngang trái đầy bi thương cách đây hàng ngàn năm.

Bên trong am có một bức tượng gọi là tượng công chúa Mỵ Châu. Đây vốn là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Tương truyền rằng sau khi chết Mị Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, phía Đông thành Cổ Loa. Người dân trong thành thấy vậy bèn bảo nhau đem võng ra cáng về. Tuy nhiên đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, mọi người bảo nhau lập am thờ ngay tại vị trí ấy. Ngày nay, đến thăm am Mỵ Châu, du khách sẽ thấy trên tường am có bức hoành khắc bài thơ chữ Hán của nhà thơ Chu Mạnh Trinh.

5.4. Đền thờ Cao Lỗ

Đền thờ Cao Lỗ

Nằm cách không xa đền thờ An Dương Vương là đền thờ Cao Lỗ. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, ông là một vị tướng tài ba, người đã chế tạo ra nỏ Liên Châu, loại nỏ bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Ông cũng là người có công lớn trong việc chỉ huy cho xây dựng thành Cổ Loa.

Để tưởng nhớ công ơn của ông người dân đã lập tượng và xây đền thờ ông ngay trong thành Cổ Loa. Đền thờ nhỏ là nơi lưu giữ rất nhiều mũi tên đồng, hiện vật lịch sử mà các nhà khảo cổ học đã khai quật. Nằm giữa ao nước trước đền, bức tượng Cao Lỗ bắn nỏ như gợi nhắc cho du khách về một người con tài giỏi của dân tộc. Không chỉ ở thành Cổ Loa, đền thờ Cao Lỗ còn được dựng cả ở Bắc Ninh quê ông.


6. Ăn gì khi tham quan thành Cổ Loa?

6.1. Bún Mạch Tràng

Bún Mạch Tràng

Gắn liền với câu chuyện về lễ dạm hỏi Công chúa Mỵ Châu, lễ khao quân của Vua An Dương Vương, bún Mạch Tràng là một đặc sản lâu đời của người dân làng Mạch Tràng. Không có màu trắng tinh bắt mắt như những sợi bún của nhiều vùng quê khác, bún Mạch Tràng có màu ngà ngà đặc trưng với sợi dài và dai hơn. Đây là bí quyết riêng tạo nên sự khác biệt của những người thợ làm bún Mạch Tràng.

Để làm ra những sợi bún tươi ngon như vậy, người dân nơi đây đã phải tỉ mỉ, khắt khe ngay từ công đoạn chọn gạo. Gạo phải là gạo có hàm lượng bột cao mới cho ra nhiều sợi bún. Cái độc đáo trong công đoạn làm bún của làng Mạch Tràng có lẽ chính là công đoạn ủ gạo. Gạo được ủ trong chăn từ hai đến bốn ngày rồi mới đem đi vo, đãi sạch, ngâm nước qua đêm sau đó được đưa đi xay cùng với nước để tạo thành bột gạo ướt, dẻo. Bột gạo sau khi ép được cắt bột thành từng quả, gọi là quả trùng đem đi luộc chín, cho vào cối giã nhuyễn rồi đưa vào khuôn vắt tay thành sợi bún. Trước khi cho ra lò những mẻ bún tươi, công đoạn cuối cùng là cho bún vào nồi nước sôi khuấy đều luộc chín.

Đặc sản bún Mạch Trang là thành phần không thể thiếu trong món bún mắm, bún chả, bún đậu lừng danh. Bên cạnh đó, bún xào cần cũng là một cái tên tiêu biểu không thể không nhắc đến. Một món ăn hết sức đơn giản, dân dã bún được xào chín với rau cần nhưng đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Cổ Loa, là sản phẩm không thể thiếu khi dâng lên Vua An Dương Vương vào ngày hội Cổ Loa để tưởng nhớ vua cùng công chúa Mỵ Châu.

  • Địa chỉ: làng bún Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh, Hà Nội

6.2. Cháo trai

Cháo trai

Đến với Cổ Loa, bạn cũng đừng quên thưởng thức một món ăn vô cùng đặc sắc đó là cháo trai. Nếu bạn đã từng nếm thưởng thức hương vị bát cháo chai nóng hổi ở khu vực phố cổ thì cháo chai ở đây sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm hoàn toàn mới. Quán nhỏ xíu, bình dân với hai cái nồi cháo lớn đặt trên hai cái bếp than đỏ lửa đặt trước quán vậy nhưng hôm nao cũng cháy hàng.

Một bát cháo ú ụ nóng hổi khói nghi ngút phủ bên trên một lớp thịt bằm nhỏ, một lớp ruốc, rắc thêm chút hành khô, hạt tiêu. Khuấy đều tô cháo, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm nhẹ của thịt của hành khô cùng sự dậy mùi của hạt tiêu. Không chỉ ăn cùng với quẩy chiên vàng thông thường, cháo chai Cổ Loa còn được ăn kèm với cả cà pháo muối xổi.

Ngay từ những thìa cháo đầu tiên, bạn đã bị đánh gục bởi sự thơm ngon của món ăn bình dị, quen thuộc này. Vị ngọt thanh tự nhiên của chai, của thịt, vị cay cay của hạt tiêu dậy mùi rau răm, hành phi… ăn kèm với quẩy và cà pháo giòn giòn chua chua, một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo đến không cưỡng lại được. Chỉ một tô cháo thôi là đã đủ no, đủ ấm cái bụng của bạn rồi đấy.

  • Địa chỉ: cổng chợ Sa, lối vào khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội

Bên cạnh đó, ẩm thực Sóc Sơn còn vô cùng độc đáo với những món ăn mang đậm phong vị núi rừng Tây Bắc như nem chim, chả ốc, đặc sản gà đồi, bánh đúc sốt xanh…

  • Nhà hàng sen Loa Thành: 34 Quốc lộ 3, Cổ Loa, Đông Anh, Đông Anh Hà Nội

  • Nhà hàng Sơn Viên: 57 Quốc lộ 3, Đông Anh, Hà Nội

  • Nhà hàng ẩm thực Loa Thành: Sân Bóng Xóm Vang, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội


7. Kinh nghiệm tham quan thành Cổ Loa

Lưu ý khi tham quan thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa là di tích cổ uy nghiêm, là nơi thờ tự các nhân vật lịch sử nên khi đến đây tham quan bạn cần chú ý cách ăn mặc. Bạn nên lựa chọn trang phục lịch sự, không nên mặc váy hoặc quần áo quá ngắn.

Bên cạnh đó, khi tham quan, bạn nên tránh nói to, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng đến mọi du khách cũng như sự thanh tịnh, bình yên của di tích.

Không nên sờ mó, nghịch ngợm lung tung vào các hiện vật lịch sử được lưu giữ và trưng bày bên trong di tích.

Mua đồ lưu niệm ở thành Cổ Loa

Tới tham quan thành Cổ Loa, bạn có thể tham khảo mua một vài món đồ lưu niệm về làm quà cho người thân và gia đình. Các bức tượng nhỏ mô phỏng vua An Dương Vương, Cao Lỗ hay những con rùa đá nhỏ biểu tượng của mảnh đất Cổ Loa sẽ là những lựa chọn tuyệt vời cho bạn.


8. Địa điểm tham quan kết hợp khi du lịch thành Cổ Loa

8.1. Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương, công trình mang đậm dấu ấn của một làng quê miền Trung du Bắc Bộ. Nếu không tìm hiểu chắc chắn rất nhiều du khách sẽ nghĩ rằng đây là một di tích lịch sử lâu đời. Thế nhưng thực ra đây lại là một công trình được họa sĩ Thành Chương xây dựng vào năm 2011. Khi đến đây, cảm xúc đầu tiên đến với bạn có lẽ là một nỗi niềm hoài cổ giữa không gian tĩnh lặng. Không ồn ào, náo nhiệt, Việt Phủ Thành Chương mang đến cho du khách một không gian hoài cổ, tĩnh lặng với hình ảnh cổng làng xưa, hồ cá, cây cối xanh mướt, ao vườn, giếng nước trong veo và cả sân đình hay bộ bàn đá… tất cả đều vô cùng gần gũi, thân thuộc.

Dạo quanh Việt phủ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc đa dạng của các ngôi nhà từ nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường cho đến nhà ngôi nhà ba gian đặc trưng của nhân dân đồng bằng Bắc Bộ. Độc đáo hơn mỗi ngôi nhà còn gắn liền với một tên gọi lịch sử riêng. Nếu như nhà Đại Khoa đơn sơ, mộc mạc, nhà Đình Thủy xưa cũ với những cánh cửa gỗ bạc màu, nhà Tường Vân cổ kính với dấu ấn từ thời nhà Nguyễn thì nhà Lò Mạc Hương lại rất mộc mạc, giản dị với sắc xanh, sắc đỏ của hàng phượng vĩ, nhà hát Long Đình lại như một công trình tráng lệ dành cho nghệ thuật.

Bên cạnh đó, khi đến đây bạn còn có cơ hội tham quan khu thờ Phật Tổ ngoài trời trang nghiêm hay chiêm ngưỡng hàng nghìn hiện vật văn hóa lịch sử từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, dạo bước trên con đường gạch Bát Tràng mang đậm dấu ấn xưa. Chính nét đẹp dân dã, thanh bình của Việt phủ đã lôi kéo bước chân người du khách đến với nơi đây. Chẳng vậy mà Việt Phủ Thành Chương đã được giới thiệu trên các tờ báo quốc tế như The New York Times, Herald Tribune.

  • Địa chỉ: dốc Dây Diều, đập Kèo Cả, Hiền Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội.

8.2. Đền Sóc Sơn

Đền Sóc Sơn

Nằm cách thành Cổ Loa không xa, điểm dừng chân tiếp theo bạn nên tham quan đó là đến Sóc Sơn. Được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, đền Gióng trước kia chỉ là một ngôi đền nhỏ cho đến đời vua Lê Đại Hành, nơi đây mới được tu sửa và phong thành đền Phù Đổng Thiên Vương. Với người dân Việt Nam, câu chuyện về Thánh Gióng không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc mà còn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần.

Tham quan đền Gióng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể công trình kiến trúc cổ kính nhuốm màu rêu phong như đền Trình, chùa cổ Đại Bi, đền Mẫu nơi thờ mẹ Thánh Gióng, giếng Mẫu đền Thượng. Nơi đây cũng lưu giữ những bức hoành phi, câu đối xưa được sơn son thếp vàng cùng các bia đá cổ tồn tại hàng trăm năm. Đến đây, du khách đâu thể bỏ qua đền thờ Đức Thánh Gióng mang đậm nét kiến trúc chùa cổ Việt Nam với bức tượng thờ Thánh Gióng được làm từ gỗ trầm hương cùng những câu đối, lọng, đôi hạc.

Tuy nhiên điểm nhấn nổi bật nhất của cả công trình nằm ở bức tượng đồng Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng cao tới 11,07m được khánh thành vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đặc biệt, nếu có cơ hội tham quan đền Gióng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng lễ oản phẩm, voi chiến, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc, rước hương hoa, giò hoa tre tham gia các trò chơi dân gian như thi đu, đập niêu đất, hát quan họ, bắt vịt, biểu diễn võ cổ truyền dân tộc… Đây cũng là lễ hội được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

  • Địa chỉ: xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

8.3. Chùa Non Nước

Chùa Non Nước

Nằm trong quần thể di tích đền Gióng, chùa Non Nước thanh tịnh, bình yên hiện lên giữa khung cảnh bao la, hùng vĩ của núi non trùng điệp. Chùa còn có tên Hán của chùa là Sóc Thiên Vương Thiền Tự. Tương truyền rằng, sau khi dẹp giặc n, trên đường về núi Sóc, Thánh Gióng đã dừng chân tại đây và để quên chiếc roi sắt. Vì thế, người dân lập đền thờ ngay tại vị trí ấy.

Năm 2002, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho xây dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ, thuộc sườn núi Non, phía Nam núi Nhà Bia. Công trình được xây dựng sử dụng 30 tấn đồng đúc tượng, 600m3 gỗ lim, 30m3 đá xanh với tổng diện tích lên tới 260m2. Bước vào trong chính điện, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi không gian đồ sộ với 80 cột lim to lớn có chiều dài khoảng 13m. Bên cạnh đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đức Phật Thích Ca, một công trình nghệ thuật xuất sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của nước ta.

Tọa lạc ngay chính giữa dãy núi hình vòng cung, đứng trên chùa Non Nước, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh non nước thanh bình cùng những xóm làng trù phú của huyện Sóc Sơn. Ngày nay, khi đến thăm chùa Non Nước, ngoài đền Sóc, bạn còn có cơ hội tham quan học viện Phật giáo Việt Nam những công trình có kiến trúc độc đáo của đất nước.

  • Địa chỉ: xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm, thông tin hữu ích về hành trình khám phá thành Cổ Loa mà chúng tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Nếu như các bạn có cơ hội đến thăm Hà Nội thì đừng bỏ qua điểm đến tuyệt vời này. Hy vọng rằng bạn sẽ có một chuyến đi an toàn, vui vẻ và có những trải nghiệm tuyệt vời ở Sóc Sơn.

Chu đề: Du lịch Hà Nội

Nội dung

  • 1. Thành Cổ Loa ở đâu?
  • 2. Thời điểm thích hợp để tham quan thành Cổ Loa
  • 3. Cách di chuyển đến thành Cổ Loa
  • 4. Vẻ đẹp kiến trúc và ý nghĩa lịch sử của thành Cổ Loa
  • 5. Hoạt động tham quan thành Cổ Loa
  • 6. Ăn gì khi tham quan thành Cổ Loa?
  • 7. Kinh nghiệm tham quan thành Cổ Loa
  • 8. Địa điểm tham quan kết hợp khi du lịch thành Cổ Loa

Đăng ký nhận ngay khuyến mãi

Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn