Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội

08:00 - 17:00(Đang mở cửa)

Đường Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Danh lam thắng cảnh

https://hoangthanhthanglong.com/

Nhận xét mới nhất

Hoàng Oanh

Hoàng Oanh

10:09 06/11/23

Tham quan rất thích,Nơi lưu trữ nhiều di tích,nhiều góc sống ảo. Mình đi gặp được mấy đoàn TQ thấy đa phần người lớn tuổi. Đôi khi nhìn lại những di sản Văn Hóa VN cũng rất hay và bổ ích. Mình thích cột cờ,và các chiếc máy bay phi cơ. Nên trãi nghiệm khi ra HN.

Nguyễn Nhật Vi

Nguyễn Nhật Vi

14:24 28/10/23

Một buổi sáng của thu Hà Nội, chúng tôi lựa chọn địa điểm được unesco công nhận. Với lối kiến trúc cổ xưa được nhiều đời vua xây dựng và giữ gìn. Vé vào 30k tha hồ thăm thú

Thích An Tuệ

Thích An Tuệ

14:56 18/09/23

Hoàng thành Thăng Long là một điểm đến nhất định phải ghé qua khi bạn tới Hà Nội.

Đỗ Ngọc

Đỗ Ngọc

15:09 16/09/23

Mấy năm rồi mới ghé Hoàng thành, vé 30k, gửi xe 12k, Gần trung thu nên chủ đề Trang trí nhiều đèn lồng đèn ông sao + hoạt động múa lân, làm bánh dẻo, tô tượng... Trong hoàng thành có cả quán ăn/nước... có shop thuê Việt Phục, nhiều mẫu xinh..

Đăng Hoa

Đăng Hoa

09:52 02/09/23

Mình đến Hoàng thành Thăng Long vào 1 ngày khá đẹp trời. Hôm đấy trời đẹp mọi người đến cũng đông nữa. Một buổi chiều mà có đến gần chục lớp các em đang chụp kỷ yếu. Các đoàn đến tham quan cũng nhiều nữa. Hoàng thành rất rộng, đẹp, tuy nhiên vẫn còn vài chỗ bị quây, nhìn hơi mất mỹ quan. Nói chung hoàng thành vẫn là một địa điểm đáng để đến tham quan. Tuy nhiên các bạn nên đi dép hoặc giày thoải mái để đi lại đỡ đau chân. Hôm đó mình đi giày kiểu nên lúc về bị đau chân á.

Ngọc Anh

Ngọc Anh

09:45 28/07/23

Hoàng Thành Thăng Long vào ngày lễ hội thật sự là một địa điểm thú vị. Không gian rộng rãi và rất đông đúc, tạo nên một không khí sôi động. Nơi đây còn có rất nhiều góc sống ảo tuyệt đẹp, từ cổng chính đến các ngóc ngách bên trong, đủ để bạn thỏa sức chụp ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ. Ngoài ra, bạn cũng có cơ hội tìm hiểu lịch sử và văn hóa rất đặc biệt của Thăng Long qua các di tích và bảo tàng ở đây. Tôi thực sự thích thú khi thăm Hoàng Thành Thăng Long và sẽ quay lại trong tương lai.

Thông tin tổng quan

Giới thiệu chung

Bên cạnh nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, Hoàng Thành Thăng Long vẫn là cái tên không thể bỏ lỡ ở Hà Thành. Nếu bạn đã từng nghiêng mình trước vẻ đẹp trầm mặc, uy nghi của Hoàng thành Huế, thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long ở thủ đô, một công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến của Việt Nam, và cũng là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lịch sử của Việt Nam.

Qua thăng trầm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần, được sửa chữa và xây dựng lại trên nền cũ, nhưng đến nay, hầu hết các công trình nguyên thủy đã không còn. Dẫu vậy, khu vực Hoàng thành Thăng Long ngày nay vẫn là trung tâm quyền lực của cả nước, cũng là địa điểm thu hút du lịch của Hà Nội.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Thực tế, toàn bộ cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

  • Mở cửa: từ thứ Ba đến Chủ Nhật (thứ Hai đóng cửa).

  • Thời gian hoạt động: từ 08h00 đến 17h00. Riêng tour đêm từ 19h ngày thứ Sáu, Thứ Bảy hàng tuần. Chương trình tour kéo dài khoảng 1,5 giờ.

Ngoài ra, thời điểm thích hợp để tham quan Hoàng Thành Thăng Long là vào mùa thu hoặc mùa xuân. Vào hai thời điểm này, tiết trời Hà Nội khá mát mẻ, dễ chịu, không có nắng gắt hay mưa dầm. Đặc biệt, bạn sẽ được ngắm hoa ban nở tím đường Hoàng Diệu và Bắc Sơn.

Hoàng thành Thăng Long nằm ở trung tâm thủ đô nên giao thông ở khu vực này vô cùng thuận lợi. Bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện cá nhân hay công cộng đều được.

Xe buýt

  • Nếu đi bằng xe buýt, hãy chọn tuyến số 22 để dừng ngay trước cổng Hoàng thành tại số 19C Hoàng Diệu. Đây là cổng chính dành cho du khách.

Xe máy hoặc ô tô

  • Nếu đi bằng ô tô, xe máy, từ Hồ Hoàn Kiếm, bạn có thể đi theo hướng Tràng Thi, sau đó rẽ sang Điện Biên Phủ, tiếp tục rẽ vào đường Hoàng Diệu và đi đến số 19C là Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long giá vé vào cổng như sau:

  • Người lớn: 30.000đ/người

  • Học sinh, sinh viên và người trên 60 tuổi: 15.000đ/người

  • Trẻ em dưới 15 tuổi, người thuộc chính sách đặc biệt, người có công với cách mạng: Miễn phí

Lưu ý: Giá vé vào Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội mang tính tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc vào thời điểm tham quan thực tế.

Lịch sử hình thành và kiến trúc của Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội. Di chỉ khảo cổ này là minh chứng sống động cho nền văn minh châu thổ sông Hồng trong suốt 13 thế kỷ: bắt đầu từ thời tiền Thăng Long vào khoảng thế kỷ VII, đi qua thời Đinh và tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, hậu Lê, đến triều Nguyễn và tồn tại mãi đến ngày nay.

Dấu son Hoàng thành Thăng Long được hình thành vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng Kinh thành cũng như hàng loạt cung – điện, trong đó có Hoàng thành Thăng Long.

Theo sách sử và tài liệu khảo cổ, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách, bao gồm: vòng ngoài cùng là La thành hay Kinh thành – nơi sinh sống của cư dân, vòng ở giữa là Hoàng thành – khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều, và vòng trong cùng là Tử Cấm thành hay Long Phượng thành – nơi dành cho vua, hoàng hậu, và các thành viên hoàng tộc khác.

Những gì chúng ta còn thấy ngày nay ở thủ đô Hà Nội là Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với diện tích khoảng 20ha (trên tổng diện tích 140ha của Hoàng thành), bao gồm hai khu vực: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu di tích Thành cổ Hà Nội. Ngoại trừ Bắc Môn và Kỳ Đài, những công trình còn sót lại chỉ là phục dựng và các di tích khảo cổ được tìm thấy trong suốt nhiều năm.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa mà công trình kiến trúc đặc biệt này mang lại, vào năm 2010, tổ chức UNESCO đã công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hoá Thế giới, và trở thành địa điểm nghiên cứu khoa học cũng như tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội.

Khám phá các công trình độc đáo ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ngày nay bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Mỗi công trình đều khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, oai nghiêm cùng những câu chuyện lịch sử lâu đời:

Kỳ Đài – Cột Cờ Hà Nội

Điểm dừng chân đầu tiên trong cụm di tích Hoàng thành đó là Kỳ Đài, hay thường được gọi là Cột cờ Hà Nội. Đây là di tích có kết cấu dạng tháp, được xây dựng dưới triều Nguyễn từ năm 1805 đến 1812, cùng thời với Hoàng thành Thăng Long.

Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế, thân cột, và đài vọng canh, với tổng chiều cao khoảng 33,4m. Bên trong công trình có thiết kế cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên đỉnh - nơi bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Hoàng thành Thăng Long.

Công trình Cột cờ Hà Nội vẫn đứng vững chãi, kiên cố đến ngày nay, và trở thành một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Đoan Môn

Rời Cột cờ Hà Nội, bạn đi thêm một đoạn nữa sẽ đến Đoan Môn, cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Đoan Môn đã xuất hiện từ thời Lý, nhưng kiến trúc mà chúng ta thấy ngày nay là do nhà Lê xây dựng vào thế kỷ XV và nhà Nguyễn tu bổ vào thế kỷ XIX.

Đoan Môn là tường thành phía Nam, được xây theo lối kiến trúc cuốn vòm cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục thần đạo”, với 5 cổng thành: cổng giữa to nhất dành cho vua, 4 cổng còn lại dành cho quan lại, hoàng thân, quốc thích.

Đây là địa điểm được check-in nhiều nhất bởi vẻ hoành tráng, uy nghi của công trình.

Điện Kính Thiên

Bắt đầu từ Đoan Môn, bạn băng qua một khoảng sân lớn gọi là Long Trì, rồi đến Điện Kính Thiên – hạt nhân chính trong tổng thể di tích Hoàng thành. Điện Kính Thiên được xây vào năm 1428, là nơi vua Lê Thái Tổ đăng cơ, về sau trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, các buổi thiết triều và đón tiếp sứ giả nước ngoài.

Hiện nay, công trình này chỉ còn giữ lại được phần nền và hai bậc thềm rồng đá. Tuy vậy, những dấu tích tìm thấy nơi đây cùng đôi rồng chầu đã phần nào gợi lại nét nguy nga, tráng lệ của Điện Kính Thiên năm xưa.

Hậu Lâu – Tĩnh Bắc Lâu

Hậu Lâu, hay còn được gọi là Tĩnh Bắc Lâu, là tòa lầu được xây phía sau Điện Kính Thiên, khi xưa là chốn hậu cung – nơi sinh hoạt của hoàng hậu, công chúa, và các cung tần, mỹ nữ.

Hậu Lâu xuất hiện từ sau đời hậu Lê, được xây theo kiến trúc hình hộp với ba tầng, kết hợp giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam và Pháp. Nét đặc trưng nhất của Hậu Lâu là độ dày của các bức tường, khiến các phòng luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Cuối thế kỉ 19, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, và được người Pháp cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay.

Chính Bắc Môn – Cửa Bắc

Chính Bắc Môn, hay Cửa Bắc, là một trong năm cửa của thành cổ Hà Nội thuộc thời Nguyễn, và cũng là cửa thành duy nhất còn sót lại.

Cửa Bắc được xây dựng xong vào năm 1805, theo lối vọng lâu: phía trên là lầu, phía dưới là thành. Trên lầu hiện là nơi thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu – người đã cùng dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ thành đến chết.

Khu Khảo Cổ 18 Hoàng Diệu

Đây là nơi cho bạn một bức tranh lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật của các triều đại phong kiến thông qua các di tích và di vật được tìm thấy sau cuộc khai quật khảo cổ vào năm 2002.

Khu vực này sau đó được Viện khảo cổ học phân thành bốn khu riêng biệt để tiện theo dõi và nghiên cứu. Có rất nhiều dấu tích lịch sử nằm xen lẫn, chồng xếp lên nhau suốt 13 thế kỷ theo thứ tự như sau:

  • Tầng dưới cùng là một phần bên phía Đông của thành Đại La thời Cao Biền, nhà Đường.
  • Tầng trên tiếp theo là vết tích cung điện thời Lý – Trần.
  • Tầng tiếp đến là một phần trung tâm Đông cung nhà Lê.
  • Và tầng trên cùng là trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội ở thế kỷ XIX, tức là thời nhà Nguyễn.

Một số cổ vật được trưng bày lộ thiên có mái che để để du khách tham quan. Còn những cổ vật tinh xảo và quan trọng được trưng bày ở tầng hầm khu nhà Quốc hội.

Cổng Hành Cung

Cổng hành cung là nơi canh gác của quân lính, nhằm giữ an toàn cho vua và hoàng tộc. Mỗi cổng hành cung là một công trình có thiết kế cầu kỳ, vững chãi, làm tôn vẻ tráng lệ của cung điện.

Trong Khu di tích Thành cổ Hà Nội hiện còn tồn tại tám cổng hành cung như thế. Chính nhờ những cổng hành cung này mà công việc xác định tọa độ các cung điện và lớp tường thành được chính xác hơn.

Những công trình kiến trúc kiểu Pháp

Ngoài các công trình khảo cổ, trong Khu di tích Thành cổ Hà Nội còn có hệ thống các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nay được trưng dụng làm trụ sở và cơ quan của Nhà nước Việt Nam.

Nhà D67

Trái ngược với tuổi đời lâu đời của di tích Hoàng Thành Thăng Long, khu vực nhà D67 được coi là có tuổi đời trẻ nhất, được xây dựng vào năm 1967. Đây là nơi làm việc của các đại tướng Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng, và là địa điểm tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Khi tham quan nhà D67, bạn sẽ thấy những vật dụng quen thuộc vẫn được bảo tồn đến ngày nay, như bản đồ, bàn ghế, điện thoại... Khung cảnh mang nét cổ kính gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, khiến chúng ta lắng đọng trước sự hào hùng của dân tộc trong quá khứ.

Các tour trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long

Trải Nghiệm Tour "Giải Mã Hoàng Thành Thăng Long"

Thời gian khởi hành tour: 19h ngày thứ Sáu, Thứ Bảy hàng tuần. Chương trình tour kéo dài khoảng 1,5 giờ. Các bạn lưu ý đến trước giờ khởi hành 15 phút, tại cổng Hoàng thành Thăng Long 19C Hoàng Diệu.

Giá tour: 300k/người lớn.Trẻ em dưới 12 tuổi giảm 50%. Trẻ em dưới 5 tuổi miễn phí.

Liên hệ đặt tour: 0913012021/ 0902115698

Lộ trình tham quan: Đón khách tại cổng Hoàng thành 19c Hoàng Diệu – Chụp ảnh check in tại Đoan Môn – Xem biểu diễn nghệ thuật trên sàn kính khảo cổ Đoan Môn – Tham quan phòng trưng bày hiện vật – Dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế tại Điện Kính Thiên – Tham quan các dấu tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu – Trải nghiệm nước giếng hoàng cung – Giải mã hiện vật bằng ánh sáng laze – Thư giãn, thưởng thức trà sen, mứt sen cung đình dưới bóng cây bồ đề.

Những điểm đặc biệt của tour mà bạn không nên bỏ lỡ:

  • Trải nghiệm khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long trong không gian lung linh ban đêm.
  • Chụp ảnh cùng các cung nữ, lính canh trong trang phục cổ xưa.
  • Thưởng thức nghệ thuật tại một sân khấu độc đáo, ngay trên các dấu tích khảo cổ nghìn năm.
  • Tham dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế tại điện Kính Thiên, trung tâm của trời đất, trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa.
  • Tham quan khu khảo cổ với các dấu tích cung điện vàng son một thuở, những hiện vật nghìn năm từ lòng đất.
  • Tự tay lấy cho mình những dòng nước mát từ giếng Vua, nguồn nước biểu tượng cho nguồn sống dồi dào và sự may mắn, phúc lành.
  • Tham gia trò chơi Giải mã Hoàng thành Thăng Long bằng thẻ giải mã với màn trình diễn laze bật mí ấn tượng và những phần quà ý nghĩa.
  • Cảm giác thật thư thái khi được ngồi thưởng thức trà sen, mứt sen ngay dưới tán cây bồ đề cổ thụ, biểu tượng cho sự an lành, may mắn.

Trong hành trình tham quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian cung đình kỳ ảo dưới ánh đèn lồng và tìm hiểu về triều đại xưa qua những kiến trúc, cổ vật quý và thưởng thức điệu múa hoàng cung…

Tour dành cho du khách trong nước

Tour tham quan này sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm độc đáo, giúp bạn hiểu rõ hơn về vẻ đẹp lịch sử của Hoàng thành Thăng Long và Di sản dân tộc Việt Nam.

Hành trình của du khách sẽ bắt đầu bằng những thước phim giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử. Từ đó, bạn sẽ khám phá những dấu ấn linh thiêng mà Hoàng thành mang lại trong mỗi triều đại.

Sau đó, bạn có cơ hội tham quan và nghe thuyết minh tại các điểm di tích quan trọng như Đoan Môn, Nền Điện Kính Thiên, Khu trưng bày hiện vật, Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, Hầm chỉ huy Cục tác chiến, Hậu Lâu và Bắc Môn. Trong quá trình này, bạn sẽ được giới thiệu về sự kiện Pháp đánh thành Hà Nội và những nhân vật lịch sử đầy tài năng như Tổng đốc Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương.

Đừng bỏ lỡ Nghi lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, nơi mà tâm linh và tôn giáo của người Việt được thể hiện qua từng hành động nhỏ. Đồng thời, bạn cũng có cơ hội thả chim phóng sinh, gửi đi những lời cầu nguyện về sự an lành, hòa bình và sự sum vầy cho mọi người. Ngoài ra, bạn còn tham quan và nghe giới thiệu khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, trải nghiệm nước giếng Hoàng cung xưa và mua sắm quà lưu niệm.

Tour dành cho du khách nước ngoài

Du khách quốc tế sẽ có cơ hội ngược dòng thời gian trở về thời kì vàng son, những dấu ấn linh thiêng qua mỗi triệu đại của Hoàng Thành Thăng Long qua những thước phim ý nghĩa bằng Tiếng Anh, với phụ đề Tiếng Việt.

Du khách sẽ được mặc lên trang phục hoàng cung, và như được trở thành một nhân vật trong một câu chuyện lịch sử sống động. Cùng hòa mình vào không gian cổ kính, du khách sẽ được đắm chìm trong câu chuyện của từng di tích đặc biệt. Thuyết minh tài tình sẽ mang đến cho du khách những thông tin chi tiết và các sự kiện lịch sử quan trọng của Đoan Môn, Nền Điện Kính Thiên, Khu trưng bày hiện vật, Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, Hầm chỉ huy Cục tác chiến, Hậu Lâu, Bắc Môn. Bước chân đi qua từng cửa và hành lang, du khách sẽ cảm nhận được hơi thở của thời gian và sự sống động của lịch sử.

Cuối cùng, một buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian tại gian hàng "Nét Văn hóa Việt" sẽ đưa khách tham quan vào thế giới sắc màu và âm nhạc của văn hóa Việt Nam. Cùng những vũ điệu truyền thống và múa rối nước tài ba, khách tham quan sẽ trải nghiệm một phần tinh túy và sức sống của văn hóa dân tộc.

Hoạt động "Em làm nhà khảo cổ"

Hoạt động ngoại khóa ý nghĩa dành cho các em nhỏ.

Tại Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các em học sinh sẽ được trải nghiệm làm “Nhà khảo cổ nhí” với nhiều hoạt động bổ ích:

  • Tham quan khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu;
  • Tham gia trò chơi Đi tìm báu vật Hoàng cung;
  • Trải nghiệm tại hố khảo cổ giả định;
  • Vẽ hiện vật, ghép tranh, dập hoa văn;
  • Trả lời câu hỏi trên phiếu hoạt động;
  • Trao giấy chứng nhận.

Những trò chơi và trải nghiệm sẽ giúp các em học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa dần hình thành ý thức trân trọng, giữ gìn di sản văn hóa của cha ông, nâng cao nhận thức bồi đắp niềm tự hào dân tộc.

Chương trình "Em tìm hiểu di sản"

Cùng với chương trình “Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh tiểu học, chương trình giáo dục "Em tìm hiểu di sản" sẽ mang đến cho học sinh trung học một trải nghiệm đầy sáng tạo và thú vị tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. Qua các hoạt động tương tác, học sinh sẽ khám phá và hiểu hơn về văn hóa và lịch sử của đất nước thông qua những trải nghiệm tuyệt vời:

  • Tham quan khu di sản

  • Xem video clip giới thiệu di sản

  • Trả lời câu hỏi trên phiểu hoạt động

  • Tìm hiểu lịch sử qua các chuyên đề

Bên cạnh đó, việc tham gia các trò chơi dân gian như kéo co và nhảy bao bố sẽ mang đến cho các em những phút giây vui vẻ và khám phá văn hóa dân tộc một cách thú vị. Các hoạt động sáng tạo như dán quạt giấy, vẽ gốm và in tranh dân gian sẽ khơi gợi sự sáng tạo và truyền cảm hứng cho các em. Cuối cùng, việc nhận giấy chứng nhận sẽ là một phần thưởng đáng tự hào cho sự nỗ lực và tìm hiểu của các em về di sản văn hóa.

Dưới đây là một số kinh nghiệm được tổng hợp giúp bạn có chuyến tham quan Hoàng thành Thăng Long trọn vẹn:

  • Khi tham gia tour, cần lưu ý chương trình khởi hành đúng giờ, các bạn vui lòng có mặt trước 15 phút tại cổng Hoàng thành Thăng Long 19C Hoàng Diệu (riêng cổng vào phải chú ý nhé vì khu di sản có nhiều cổng, dễ nhầm đấy). Khu di sản rất rộng, các hoạt động liên tục diễn ra nên các bạn cố gắng bám sát, đi theo hướng dẫn viên của đoàn mình, cẩn thận không dễ bị “củ lạc”.

  • Hoạt động diễn ra ngoài trời, bạn nên mang thêm ô để phòng thời tiết mưa gió thất thường.

  • Tránh viết, vẽ lên tường, gốc cây, không bẻ cành, hái quả

  • Thực hiện đúng theo sơ đồ chỉ dẫn trong Hoàng thành Thăng Long.

  • Khi vào khu di tích không mang theo các chất dễ cháy nổ, vũ khí, chất có mùi hôi tanh và chất độc hại.

  • Lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự, không nói tục, chửi bậy, góp phần giữ gìn trật tự trong khu di tích.

  • Có ý thức bảo vệ di vật, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh.

  • Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân bạn cần phải đỗ xe đúng nơi quy định.

  • Nếu muốn hướng dẫn tham quan, du khách cần liên hệ với Phòng Hướng dẫn Thuyết minh. Trong trường hợp muốn quay phim, dựng phim phải có giấy giới thiệu và nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

  • Không sử dụng flycam để ghi hình, chụp ảnh tại khu di sản.

  • Phải di chuyển tương đối nhiều cho nên bạn nên mang theo nước uống và một số thức ăn nhẹ.

Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là một di sản văn hóa vật thể lâu đời mà nơi đây còn chứa đựng hồn thiêng sông núi chốn Thăng Long. Nơi đây đã ghi dấu quá trình dựng đất giữ nước của thế hệ người Việt. Nếu có dịp khám phá Hà Nội, bạn đừng quên sắp xếp lịch trình để tìm hiểu về lịch sử của nước Việt. Hãy cùng Justfly chia sẽ những khoảnh khắc đậm chất di sản tại nơi đây nhé!

hoang thanh thang long hanoi

Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội

Giờ mở cửa

08:00 - 17:00(Đang mở cửa)


Đánh giá


Địa chỉ

Đường Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

 Đường Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Nhận xét của khách hàng

5,0 /5

6 đánh giá

Câu hỏi thường gặp

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Thực tế, toàn bộ cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Mở cửa: từ thứ Ba đến Chủ Nhật (thứ Hai đóng cửa).

Thời gian hoạt động: từ 08h00 đến 17h00. Riêng tour đêm từ 19h ngày thứ Sáu, Thứ Bảy hàng tuần. Chương trình tour kéo dài khoảng 1,5 giờ.

Thời điểm thích hợp để tham quan Hoàng Thành Thăng Long là vào mùa thu hoặc mùa xuân. Vào hai thời điểm này, tiết trời Hà Nội khá mát mẻ, dễ chịu, không có nắng gắt hay mưa dầm. Đặc biệt, bạn sẽ được ngắm hoa ban nở tím đường Hoàng Diệu và Bắc Sơn.

Hoàng thành Thăng Long nằm ở trung tâm thủ đô nên giao thông ở khu vực này vô cùng thuận lợi. Bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện cá nhân hay công cộng đều được.

  • Nếu đi bằng xe buýt, hãy chọn tuyến số 22 để dừng ngay trước cổng Hoàng thành tại số 19C Hoàng Diệu. Đây là cổng chính dành cho du khách.

  • Nếu đi bằng ô tô, xe máy, từ hồ Hoàn Kiếm, bạn có thể đi theo hướng Tràng Thi, sau đó rẽ sang Điện Biên Phủ, tiếp tục rẽ vào đường Hoàng Diệu và đi đến số 19C là Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long giá vé vào cổng như sau:

  • Người lớn: 30.000đ/người

  • Học sinh, sinh viên và người trên 60 tuổi: 15.000đ/người

  • Trẻ em dưới 15 tuổi, người thuộc chính sách đặc biệt, người có công với cách mạng: Miễn phí

Lưu ý: Giá vé vào Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội mang tính tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc vào thời điểm tham quan thực tế.

Zalo logo
Chat Zalo(8h - 24h)
Chat Facebook(8h - 24h)
089 9094 678(8h - 24h)