Nguyễn Quang Trung
Travel Expert03/10/2022Nếu như Sài Thành nổi tiếng với con phố bia Tây Bùi Viện, kinh thành Huế lại tự hào với con phố “không ngủ” Phạm Ngũ Lão thì Hà Nội cũng ôm ấp một cái tên Tạ Hiện. Đã không ít lần con phố Tạ Hiện xuất hiện trên trang CNN và các tạp chí du lịch nước ngoài, con phố này không chỉ là điểm đến quen thuộc của giới trẻ Hà Nội mà còn thu hút không ít du khách nước ngoài. Nếu để hỏi điều gì thu hút ở con phố “không ngủ” này khiến cả Hà thành rạo rực, người ta chỉ trả lời một câu rất mơ hồ: “Đơn giản vì yêu.
Nếu như Sài Thành nổi tiếng với con phố bia Tây Bùi Viện, kinh thành Huế lại tự hào với con phố “không ngủ” Phạm Ngũ Lão thì Hà Nội cũng ôm ấp một cái tên Tạ Hiện. Đã không ít lần con phố Tạ Hiện xuất hiện trên trang CNN và các tạp chí du lịch nước ngoài, con phố này không chỉ là điểm đến quen thuộc của giới trẻ Hà Nội mà còn thu hút không ít du khách nước ngoài. Nếu để hỏi điều gì thu hút ở con phố “không ngủ” này khiến cả Hà thành rạo rực, người ta chỉ trả lời một câu rất mơ hồ: “Đơn giản vì yêu.
Không trang hoàng cầu kì, xa hoa, lộng lẫy như những con phố đêm khác ở một số nơi trên thế giới, không tráng lệ, uy nghiêm như nhiều địa điểm du lịch Hà Nội khác, Tạ Hiện có phần cổ kính, mộc mạc, hơi “bụi” nhưng hấp dẫn lòng người đến lạ. Con phố Tạ Hiện kéo dài từ Tạ Hiện đến Lương Ngọc Quyến, rồi sang Hàng Bạc, thông sang Hàng Ngang, Hàng Đào. Ban đầu, con phố Tạ Hiện có tên là Rue Géraud được người Pháp đặt. Ngày trước, con phố này là nơi lưu đến của giới thượng lưu Hà thành bởi sự xuất hiện của rạp hát nổi tiếng nhất nhì Hà Nội có tên là Quảng Lạc, đây cũng là lý do mà người dân thường gọi con phố này với cái tên Quảng Lạc (an hưởng niềm vui). Rạp hát Quảng Lạc là nơi lưu diễn những vở chèo mang đậm văn hóa và bản sắc xưa của dân tộc, nơi đây được xem là chốn thưởng thức thi ca huyên náo và sống động bậc nhất xứ Bắc lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, còn phố Tạ Hiện còn có nhiều hàng quán, gánh hàng rong...Tất cả tạo nên sự náo nhiệt, đông đúc cho khu phố này.
Con phố Tạ Hiện dài khoảng 266m, nguyên là đất đường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương cũ, cái tên Tạ Hiện chỉ xuất hiện sau Cách mạng tháng 8. Nhiều người vẫn lầm tưởng và gọi thành Tạ Hiền, bởi thế, nếu đến phố Tạ Hiện sẽ thấy sự lộn xộn trong cách đặt tên địa chỉ ở các biển hiệu, chỗ này ghi Tạ Hiện, chỗ kia ghi Tạ Hiền...Sự nhầm lẫn đó cũng ngây ra nhiều cuộc tranh luận, cãi vã.
Tuy nhiên, theo từ điển đường phố Hà Nội thì con phố này được đặt tên theo tên của một vị lãnh tụ trong phong trào Cần Vương ở địa phận tỉnh Thái Bình - Tạ Quang Hiện. Tạ Quang Hiện đã cùng Lưu Vĩnh Phúc dẹp quân Cờ Vàng, có công lớn trong việc góp phần xây dựng lực lượng kháng chiến ở đồng bằng.
Nếu Sài Thành nổi tiếng với Tây Bùi Viện, kinh thành Huế lại tự hào bởi con phố “không ngủ” Phạm Ngũ Lão thì Hà Nội lại nổi tiếng bởi Tạ Hiện. Là một địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn và sầm uất nhất, con phố này “chinh phục” lòng người bởi nét cổ kính, trầm mặc và bình thản giữa dòng thời gian trôi, giữa sự đổi thay của phố phường Hà Nội từ năm này qua năm khác.
Có lẽ, ít ai quan tâm rằng người dân Việt Nam và cả những vị khách Tây yêu mến Tạ Hiện vì điều gì? Phải chăng là bởi danh xưng “ngã tư quốc tế”, “con phố không ngủ” ở Hà Nội hay bởi những cụm từ trầm mặc, tĩnh lặng ban ngày, sầm uất về đêm, cổ kính, rêu phong...mà báo chí hay các trang web du lịch khác gắn cho Tạ Hiện mà vô tình quên mất rằng, kiến trúc của con phố này chính là một nét hấp dẫn không nơi nào có được.
Khác với sự tấp nập, bon chen, những tòa nhà cao tầng, chung cư hiện đại, trung tâm thương mại hào nhoáng mang dấu ấn của một đô thị hiện đại và phát triển bậc nhất Việt Nam, Tạ Hiện vẫn là những nếp nhà cũ xếp san sát nhau, những góc nhỏ mộc mạc, bức tường cũ lở từng mảng vôi vừa, từng cột đèn điện hoen gỉ….Tạ Hiện vẫn thế, cổ kính và trầm mặc mang nặng dấu ấn của một Hà Nội xưa cũ chỉ còn lại trong ký ức của bao thế hệ người Hà Thành gốc.
Phố Tạ Hiện trong quy hoạch là một phố có giá trị bậc nhất trong khu Phố Cổ Hà Nội với lối kiến trúc tổng thể hài hòa bao gồm những ngôi nhà có diện tích hẹp, với mặt tiền thiết kế kiểu thuộc địa. Con phố được chia làm 2 dãy nhà, đánh số chẵn lẻ phân biệt khác nhau.
Đặc biệt, nếu tinh ý, bạn có thể thấy rằng 2 dãy nhà đối lập có kiểu kiến trúc khác nhau. Dãy nhà chẵn là kiểu kiến trúc đặc trưng của Việt Nam, nhà 2 tầng, tầng trên được thiết kế lùi ra sau một chút, tầng dưới đưa ra sát mặt đường. Dãy nhà lẻ mang kiểu kiến trúc Pháp, nhà có 2 tầng, mái ngói dốc giống nhau, 10 ngôi nhà được xây dựng vào khoảng thế kỷ 20.
Chính nét độc đáo này đã đưa Tạ Hiện trở thành “viên ngọc quý” của kiến trúc phố cổ Hà Nội. Đồng thời, đây là một trong những con phố vẫn giữ được nét cổ kính và đặc trưng kiến trúc của mình trước những thách thức của thời gian và sự thay đổi của đô thị.
Mỗi buổi sáng sớm, con phố chìm trong yên tĩnh với dáng vẻ mơ màng như một người không ngủ vào mỗi sớm mai, vẫn còn chút lơ mơ và chạng vạng sau một tối say sưa và huyên náo. Khi Hà Thành đón những tia nắng vàng hanh yếu ớt, le lói đầu tiên trong ngày, Tạ Hiện tinh khôi và trong trẻo như bao con phố khác ở đây, thanh bình, yên ắng! Một vài gánh hàng rong chậm rãi thong thả dạo qua những dãy nhà còn chưa mở cửa hoặc mới he hé, những cụ già đứng vươn mình, xoay người thực hiện một vài động tác thể dục hay chạy bộ quanh khu phố, một vài hàng quán bắt đầu chuẩn bị cho một ngày bán hàng của mình.
Nếu đến Tạ Hiện vào lúc này sẽ chẳng có gì đáng bàn bởi lúc này trông Tạ Hiện “hiền” như một nàng thiếu nữ mới lớn.
Giờ tan tầm, khi thành phố bắt đầu lên đèn, Tạ Hiện vứt bỏ chiếc áo với vẻ ngoài “hiền khô”, dịu dàng, trở thành một thiếu nữ tuổi đôi mươi nghịch ngợm, nhiệt thành, sôi nổi, đầy háo hức, đầy quyến rũ và thách thức những kẻ làng chơi. Những hàng quán vỉa hè bắt đầu lên đèn, bàn ghế nhựa bày bán ra các vỉa hè, người người kéo nhau đến đây đông vui như trẩy hội, nô nức, vui vẻ, Tạ Hiện đang là một Tạ Hiện khác của buổi sáng hôm.
Đi đâu, người ta cũng bắt gặp hình ảnh những nhóm người Tây - Ta lẫn lộn, không phân biệt, không có ranh giới cùng nhau trò chuyện, cười nói vui vẻ bên bàn nhậu. Thỉnh thoảng không thể thiếu tiếng “2- 3 dô”, tiếng cười giòn tan, tiếng hò hét nối tiếp nhau nối dài cả con phố. Không hiểu vì sao mà con phố này có sức hút kỳ với những vị khách Tây đến thế, đến đây, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều người với nhiều màu da khác nhau, nhiều nhóm bạn đa quốc tịch. Tạ Hiện chính là nơi giao thoa văn hóa và cũng là một địa điểm lý tưởng cho những ai đang muốn rèn luyện khả năng ngoại ngữ của mình.
Đến Tạ Hiện, bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra những nhóm người khách Tây, khách Ta ngồi sát cạnh nhau, trong không gian vỉa hè chật hẹp, bàn này san sát bàn kia, tưởng chừng chỉ cần huých nhẹ vào tay nhau là đã va chạm vào người kia, ấy thế mà họ không hề nề hà gì, vẫn vui vẻ cười nói và tiếp tục những câu chuyện của riêng mình. Bạn sẽ vô cùng thích thú khi để ý rằng các chủ quán ở đây thay đổi ngôn ngữ linh hoạt, khi dùng Tiếng Việt, khi thì Tiếng Anh, có khi chỉ cần những cử chỉ ra hiệu là đối phương đã hiểu ngay ý khách của mình muốn dùng gì.
Chưa kể, Tạ Hiện về đêm chính là sự giao thoa của nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, từ người trẻ đến người già, từ người thành thị đến nông thôn, người làm kinh doanh, người buôn bán, dân văn phòng...Tất cả không phân biệt độ tuổi, giàu nghèo, trình độ...họ đều tụ tập về đây với mục đích riêng của mình.
Ngoài các hoạt động ăn uống, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc đường phố với các tiết mục từ nhạc dân gian đến nhạc trẻ, nhạc trữ tình,...hay những màn biểu diễn nhạc cụ độc đáo được biểu diễn suốt đêm.
Bắt đầu từ 22h trở đi, những “kẻ lang thang” tại Tạ Hiện lại tiếp tục lân la vào các Club, Pub tiếp tục cuộc vui của mình. Hệ thống chất lượng âm thanh, ánh sáng cực chất, thu hút giới trẻ thăng hoa cùng âm nhạc, tùy thuộc vào sở thích riêng của mỗi người mà lựa chọn không gian sôi động ở các quán bar hay một vài quán cafe với nhạc acoustic sâu lắng, trữ tình.
Chỉ điều đó thôi là đã đủ đưa con phố này vào danh sách địa điểm yêu thích của giới trẻ vào cuối tuần rồi đúng không?
1900 bar được xem là cái tên “sáng” nhất trong các quán bar, club tại “con phố không ngủ” Tạ Hiện. Nằm ngay giữa trung tâm của khu phố, 1900 trước đây là một nhà hát kịch nên không gian quán có chút cổ kính, hoài cổ với những câu chuyện kể về lịch sử Hà Nội thông qua các chi tiết trang trí nội thất. Ấy thế nhưng 1900 không kém phần sôi động và trẻ trung, không gian quán khá rộng, có tầng lửng, tầng bar đặt chính giữa với cách bài trí hấp dẫn, đẹp mắt.
Nhiều khách hàng đến bar 1900 nhiều lần và rút ra kinh nghiệm rằng nên đến quán vào lúc sau 23h, nhạc lúc từ 23h trở về trước có phần hơi buồn, trầm lắng, “quẩy” không đã lắm, về sau sôi động và huyên náo hơn rất nhiều. Ngoài ra, quán còn có thêm những hiệu ứng nhả khói đầy kích thích.
Giá cả ở quán tương đối ổn, vào những ngày cuối tuần thường bị thu thêm phí do có các DJ “chất” biểu diễn, mức giá đồ uống ở đây giao động từ 80.000 - 120.000 đồng.
Funky B, một cái tên khá quen thuộc đối với những “làng chơi” ở Tạ Hiện, quán bar này tên cũ là Funky Buddha. Được ra đời từ năm 2008, đến nay Funky B là một trong những bar lâu năm ở phố cổ. Tuy được thiết kế theo phong cách hiện đại, trẻ trung và được thay đổi thường xuyên qua các năm nhưng quán luôn nhất trí một phong cách chung về âm nhạc. Nếu bạn đến bar sớm, bạn có thể thưởng một chút thức đồ uống nhẹ và thưởng thức với những bản nhạc House Deep electronic. Nếu khách đến muộn hơn một chút, vào tầm khoảng từ 11h trở đi, đó là lúc những bản nhạc Funky House Electronic sôi động sẽ khuấy đảo không khí. Vào các ngày trong tuần, khách đến đây thường chuộng dòng nhạc Funky House Progressive, dòng nhạc có sự thanh lọc và khiến con người cảm thấy thư giãn đến lạ.
Nếu đem Funky B so sánh với các quán bar khác trong phố cổ, thì Funky B có diện tích khá lớn với thiết kế 2 tầng khác nhau. Tầng 1 dành cho bạn khi muốn có không gian trò chuyện thoải mái với bạn bè, thưởng thức đồ uống hay rượu nhẹ, bạn nên ngồi hướng bên ngoài, gần cửa ra vào, còn phía trong là quầy bar, nơi dành cho các chương trình, show DJ sôi động. Quán mở cửa từ tối cho đến tận khuya.
Nằm vuông góc với con phố Tạ Hiện là phố Lương Ngọc Quyến - một con phố cũng nổi tiếng không kém với nhiều quán bar, club hoạt động về đêm, trong số đó, phải kể đến Prague Pub. Mang đến một sự mới lạ, không ồn ào, xô bồ và tấp nập giữa phố phường bận rộn của khu phố Cổ, Prague Pub mang đến một không gian gần gũi, nhẹ nhàng nhưng đầy quyến rũ của thành phố Prague-thủ đô Cộng hòa Czech.
Dù tuổi đời “non trẻ” hơn rất nhiều so với các quán bar khác ở Tạ Hiện nhưng Prague Pub là điểm đến không thể bỏ qua với rất nhiều loại đồ uống, các loại bia đặc trưng như Pilner Urquell, Budweiser, Corona, Heineken đến các loại cocktail Pinacolada, Long island, Mojito, Vodka martini. Những ly cocktail ngon tuyệt được khéo léo đặt trên các thùng gỗ sồi, bạn sẽ được thử cảm giác vừa thưởng thức rượu mạnh, vừa “xõa” hết mình trên nền nhạc house sôi động.
Quán mở cửa từ 9h tối, các loại đồ uống có giá từ 49.000 đồng. Prague Pub thân thiện, gần gũi, ấm áp, phong cách thiết kế mộc mạc và cổ điển, mang đến cho các bạn trẻ những trải nghiệm mới.
Khách đến Fat Cat Bar chủ yếu là người nước ngoài. Nhìn chung, không khí ở bar khá thoải mái bởi sự kết hợp giữa một quán bar sôi động và lounge nhẹ nhàng. Khách đến Fat Cat Bar cũng lạ lắm, họ thích ngồi tụ tập trong nhà hoặc ngồi ở cửa, tay cầm một chai bia rồi cùng nhau hàn huyên đến cả mấy tiếng đồng hồ. Có người thích ngồi bệt hoặc có thể lên gác xép phía trên. Đồ uống được ưa chuộng nhất ở đây là cocktail, đặc trưng nhất là cocktail Fatcat. Ở đây cũng thường tổ chức các bữa tiệc âm nhạc với các chủ đề khác nhau để tạo sự khác biệt.
Thêm một địa chỉ quán bar tại phố Lương Ngọc Quyến cho bạn lựa chọn. Cái tên Finnegan’s Irish bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết lừng danh Finnegans Wake của nhà văn James Joyce người Ireland. Tọa lạc tại tầng 2 địa chỉ 32 phố Lương Ngọc Quyến, Finnegan’s Irish mang phong cách Châu u cổ điển với thiết kế nội thất da và gỗ nâu đen trầm ấm.
Ở Finnegan’s Irish, ngoài đồ uống cồn, bạn có thể thưởng thức một chút trà, cafe hay thức ăn nhanh lót dạ nếu có cảm thấy đói khi giữa đêm, quán cũng thường xuyên tổ chức các giải bóng đá quốc tế. Không gian ở đây không quá rộng nhưng tận dụng được tối đa khoảng trống và các vùng ánh sáng. Nếu bạn đi một mình, bạn có thể ngồi ngay tại quầy bar, còn nếu đi với nhóm bạn đông người thì nên chọn 1 bàn ngồi phù hợp.
Phải chăng con phố Tạ Hiện có quá nhiều bar, club về đêm nên quán nào cũng phải biến mình trở thành độc nhất, trở thành lạ nhất, để rồi lỡ đến một lần là không muốn về. 1900 bar, Funky B..mỗi nơi một vẻ và Mao cũng thế.
Mao’s Red Lounge mang đến một nét Á Đông nổi bật giữa phố “Tây” sầm uất. Từ những chiếc đèn treo bọc ngoài bằng tranh Đông Hồ, các câu đối, hình tượng Phật...đến nội thất bằng gỗ ấm áp...tất cả tạo nên một Mao rất lạ, rất riêng.
Mao tạo điểm nhấn ở tầng 2 với mô hình võng kiệu đặt giữa phòng, những bức tranh thổ cẩm với các mảng sáng tối của người vùng cao mang đến một khoảng trời nhỏ màu sắc chen lẫn vào trong không gian ấy...hoài cổ, bí ẩn nhưng thú vị.
Mang đến cho khách hàng cảm giác thân thiện, ấm áp và rất gần gũi chính là điểm hấp dẫn nhất ở Mao. Khi đến đây, bạn có thể ngồi hàng giờ tán ngẫu, trò chuyện thoải mái với bạn bè trên nền nhạc Pop, rock nhẹ nhàng và thưởng thức những ly Whisky, một chút Jim, Rum hay thay đổi chút vị lạ lùng của cocktail Special cá tính, một Amaretto Sour đầy màu sắc.
Nói đến đặc sản Tạ Hiện thì không thể không kể đến bia cỏ, nhiều người quen thuộc với nơi này còn vui miệng gọi là “trà đá có gas”. Ghé vào quán nào ở Tạ Hiện, bạn cũng có thể gọi cho mình một chai bia với đầy đủ các loại. Điều đặc biệt ở các hàng quán tại đây là người ta chỉ cung cấp cho các “thượng đế” một chiếc ghế nhựa con con, tay cầm một chai bia, tay còn lại xách ghế, rồi cùng vài ba người bạn nữa, thêm một chiếc ghế cỏn con khác làm bàn để vài ba món nhậu, thế là thành một “bàn tiệc nhậu”. Người ta uống bia theo kiểu chậm rãi như cafe, thấy cũng ngồ ngộ, vui vui.
Thử tưởng tượng mà xem, nhấm nháp một chút bia mát lạnh trong ngày hè nóng nực, từng cốc bia màu vàng thanh khiết, bọt trắng xóa, nhấm nháp cùng chút đồ nhậu là những món ăn vặt vỉa hè ngon hết sẩy như: chân gà nướng, chân gà xả ớt, phô mai, nem rán, khoai tây chiên, nem lụi, nem chua…Các loại đồ nhắm ở đây khá đơn giản, mức giá bình dân nên được rất nhiều người yêu thích. Đặc biệt, nhớ đừng bỏ qua món ăn vặt Hà Nội đình đám - chim cút nướng mật ong ngon tuyệt chỉ có tại Tạ Hiện. Thịt chim được sơ chế sạch sẽ, tẩm ướp gia vị, đặt lên bếp nướng rồi quét một lớp mật ong vàng sóng sánh, thơm phức. Nếu vô tình đi qua các quán thịt chim lúc này thì chắc chắn rằng bạn sẽ không thể kìm lòng được trước hương vị hấp dẫn kia đâu.
Không phải là nhà hàng cao cấp, hàng quán cao sang, rộng rãi, ấy thế mà những quán vỉa hè Tạ Hiện vẫn ngày ngày đón tiếp hàng nghìn lượt người vào ra liên tục. Ngoài bia, Tạ Hiện còn có trà đá, trà chanh, cà phê...nhưng bia là thức uống “chạy” nhất và nổi nhất ở đây, làm nên thương hiệu “con phố bia” của Tạ Hiện. Bia Tạ Hiện không những được nhiều khách ta yêu thích mà các vị khách Tây cũng phải phát cuồng. Cũng vì lý do đó mà Tạ Hiện còn được gọi là “phố Tây” của phố Cổ Hà Nội. Ngoài con phố Tạ Hiện, Hà Nội còn xuất hiện thêm một vài con phố kinh doanh theo hình thức này như Chợ Gạo (bán trà chanh thay vì bia như Tạ Hiện) nhưng tất nhiên không thể thay thế được vị trí của “con phố bia” trong lòng người dân thủ đô và những vị khách quốc tế.
Một số quán ngon ở Tạ Hiện nhất định phải thử:
Bún bò Nam bộ số 7 Tạ Hiện: Trước khi bắt đầu “cuộc chơi” không biết trước giờ dừng của mình ở Tạ Hiện, bạn có thể tìm đến địa chỉ quán bún bò Nam bộ số 7 Tạ Hiện để thưởng thức một bát bún bò nức danh khu phố này nhé! Quán mở cửa từ 8h sáng đến 7h tối thôi, không gian quán khá nhỏ, chật hẹp nhưng vẫn được rất nhiều thực khách yêu quý.
Bún mọc Tạ Hiện: Bún mọc Tạ Hiện nằm ở số 14 Tạ Hiện, mở cửa từ 9h sáng đến 9h tối. Đây là quán bún mọc ngon nhất “phố Tây” mà bạn nhất định phải thử 1 lần khi đến đây. Quán nằm trong ngôi nhà nhỏ trong con phố tấp nập người qua lại, ấy vậy mà đông đến lạ kì. Bún mọc Tạ Hiện đơn giản lắm, chỉ một chút bún, một chút hành, thêm những viên mọc nhỏ bùi bùi, thơm thơm, chan trong nước dùng ninh xương ngon ngọt, hấp dẫn biết bao.
Chim nướng số 5B Tạ Hiện: Chim nướng được xem là đặc sản của Tạ Hiện, trong con phố dài khoảng 100m có thể tìm thấy rất nhiều quán bán chim nướng, nhưng địa chỉ bán chim nướng ngon nhất phải ghé đến số 5B Tạ Hiện, quán hiện nay đã làm nghề được 20 năm. Những con chim cút được tẩm ướp gia vị kỹ càng, đặt vào vỉ nướng, xoay đều trên thoa than, một màu vàng ngả nâu sóng sánh bám trên lớp vỏ ngoài của da dai giòn, chim nướng chấm với tiêu, cay cay, the the, béo ngậy hấp dẫn.
Phô mai que số 15 Tạ Hiện: Ở đất Hà thành không khó để tìm được món ăn vặt này, và hầu như trong bữa tiệc nào cũng không thể thiếu phô mai que. Địa chỉ bán phô mai que được nhiều người yêu thích nhất ở Tạ Hiện là số 15 Tạ Hiện. Phô mai ở đây giòn dai, vàng rụm, giòn bên ngoài, dai bên trong. Nếu có đến con phố này thì nhất định phải đến thử phô mai que Xu Xu số 15 Tạ Hiện nhé!
Chân gà xả ớt và nem chua rán số 29A Tạ Hiện: Quán mở cửa từ đầu giờ tối cho đến giữa đêm, phục vụ chủ đạo 2 món chính là chân gà xả ớt và nem chua rán, ngoài ra, còn có thêm rất nhiều món ăn vặt khác.
Tạ Hiện là thế, e ấp, nhẹ nhàng và bình dị ban ngày nhưng “lột xác” và bùng nổ về đêm. Người ta bảo, Hà Nội sống vội về đêm, nhưng có lẽ, để cảm nhận được điều đó rõ nhất thì phải đến Tạ Hiện.
Chủ đề: Du lịch Hà Nội
Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn