Top 14 lễ truyền thống Campuchia vô cùng đặc sắc

Bùi Nhật Lệ

Bùi Nhật Lệ

Travel Expert28/02/2021

Phật lịch là loại lịch phổ biến tại Campuchia bên cạnh dương lịch và âm lịch. Theo cách tính thời gian này, người dân Khmer có vô số các lễ hội và kỳ nghỉ kéo dài lên tới 28 ngày trong năm. Con số ấn tượng ấy khiến Campuchia lọt top đất nước có nhiều ngày nghỉ nhất trên thế giới. Trong những ngày này, người dân nô nức tổ chức lễ hội tưng bừng với nhiều nét đặc trưng vô cùng ấn tượng. Hãy cùng Justfly tìm hiểu top 14 lễ hội truyền thống tuyệt vời nhất mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến Campuchia!

Nôi dung

  • 1. Ngày Chiến thắng lật đổ chế độ Khmer Đỏ
  • 2. Ngày Lễ Năm Mới Khmer
  • 3. Ngày lễ Xuống đồng Hoàng gia
  • 4. Ngày Lễ mừng sinh nhật Đức Vua
  • 5. Ngày giỗ Vua Cha Norodom
  • 6. Ngày ký Hiệp ước Hòa bình Paris
  • 7. Ngày Quốc khánh Campuchia
  • 8. Ngày Tưởng Niệm
  • 9. Ngày Pchum Ben
  • 10. Ngày Meak Bochea
  • 11. Ngày lễ Vesak Bochea
  • 12. Ngày Lễ Angkor
  • 13. Lễ hội nước
  • 14. Lễ hội Biển

Phật lịch là loại lịch phổ biến tại Campuchia bên cạnh dương lịch và âm lịch. Theo cách tính thời gian này, người dân Khmer có vô số các lễ hội và kỳ nghỉ kéo dài lên tới 28 ngày trong năm. Con số ấn tượng ấy khiến Campuchia lọt top đất nước có nhiều ngày nghỉ nhất trên thế giới. Trong những ngày này, người dân nô nức tổ chức lễ hội tưng bừng với nhiều nét đặc trưng vô cùng ấn tượng. Hãy cùng Justfly tìm hiểu top 14 lễ hội truyền thống tuyệt vời nhất mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến Campuchia!


1. Ngày Chiến thắng lật đổ chế độ Khmer Đỏ

Ngày Chiến thắng lật đổ chế độ Khmer Đỏ

Một sự kiện trọng đại đánh dấu sự độc lập, tự do hoàn toàn của nhân dân Khmer trong lịch sử chính là thời khắc giành chiến thắng vào ngày 07/01/1979. Đó là ngày chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ bởi quân đội Campuchia dưới sự trợ giúp của các chiến sĩ Việt Nam. Thừa thắng xông lên, nhân dân đất nước này tiếp tục kháng chiến và giành lại chính quyền từ tay Pol Pot vào ngày 17/04/1979 sau bốn năm đô hộ.

Để ghi nhớ chiến thắng hào hùng của dân tộc, nhân dân trên toàn đất nước Campuchia luôn tổ chức nhiều lễ kỷ niệm vào ngày 07/01 hàng năm. Nổi bật nhất trong chuỗi các sự kiện thường niên chính là lễ diễu binh tại Đài tưởng niệm Độc Lập ở thủ đô Phnom Penh. Được hòa mình trong không khí trang nghiêm, tự hào ấy chắc chắn sẽ khiến chuyến du lịch của bạn có thêm nhiều ấn tượng không thể nào quên.


2. Ngày Lễ Năm Mới Khmer

Ngày Lễ Năm Mới Khmer

Ngày Lễ Năm Mới Khmer được nhân dân Campuchia gọi với cái tên Tết Choul Chnam Thmey. Đây là một trong những dịp lễ quan trọng và lớn nhất của một năm tại đất nước này. Thông thường, Ngày Lễ Năm Mới thường rơi vào khoảng giữa tháng tư dương lịch, kéo dài đến 3 ngày. Nhân dân tổ chức lễ mừng để đánh dấu một vụ mùa bội thu và chào đón mùa mưa kéo đến.

Trong suốt những ngày lễ, hầu hết những người con làm việc xa xứ đều quay trở về nhà để đoàn tụ với gia đình. Lúc này, họ đều tạm gác lại mọi công việc, trú tâm chuẩn bị cho một ngày tết đủ đầy và đầm ấm. Người người nhà nhà ai nấy đều hân hoan sắm sửa đồ đạc, quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa. Trong không khí hân hoan, người ta tỏ lòng nhớ về công lao của ông bà, tổ tiên và cầu chúc những điều tuyệt vời nhất sẽ đến. Nhân dân đổ ra đường để tới thăm nhà người thân, láng giềng và tham gia vào các hoạt động cộng đồng sôi động. Người Khmer tại Campuchia còn có phong tục nước thay cho lời chúc bình an. Đây là lúc đường phố tràn ngập niềm vui và nụ cười bởi ai ai cũng đều tham gia nhiệt tình vào hoạt động này. Đó là cách tuyệt vời để gắn kết tình thương và sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Ngày tết Khmer cũng là lúc người dân Campuchia đồng loạt đổ về các đền chùa trong khu vực để hành lễ cầu an. Đây là một nét truyền thống đặc sắc của đất nước này vì có tới hơn 90% dân số theo đạo Phật. Trong cái sôi động của đoàn người, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được sự thành kính và tôn nghiệm. Nhân dân Campuchia lúc nào cũng bày biện mâm lễ tươm tất trước khi dâng kính lên Đức Phật. Họ còn thực hiện các nghi thức như hành lễ với nến đi xung quanh điện chính, tắm tượng Phật, ngồi nghe giảng kinh và nhận lời cầu chúc bình an từ các vị sư phụ.

Tuy ngày lễ mừng năm mới chính thức chỉ diễn ra trong 3 ngày (năm nhuận là 4 ngày) nhưng người dân thường nghỉ khoảng một tuần liền. Đối với họ, khoảng thời gian ấy mới đủ để thực hiện hết các hoạt động mua sắm, chuẩn bị năm mới cũng như vui chơi giải trí. Trong những ngày này, hầu hết nhân dân tạm ngưng mọi hoạt động mua bán, dịch vụ nên sẽ tạo nhiều khó khăn đối với khách du lịch. Chính vì thế, nếu bạn muốn tới Campuchia vào thời gian Tết thì cần chuẩn bị đặt vé và phòng nghỉ trước để tránh tình trạng “vỡ kế hoạch”. Bên cạnh đó, số tiền cần trả cho dịch vụ du lịch trong thời điểm này cũng tăng cao hơn rất nhiều so với ngày thường.


3. Ngày lễ Xuống đồng Hoàng gia

Nghi thức truyền thống Xuống đồng Hoàng gia vẫn luôn được tổ chức hàng năm từ thời cổ đại. Đối với nhân dân Campuchia, ngày thực hiện nghi thức này được gọi là Pithi Chrat Preah Neanng Korl. Mục đích của ngày lễ ấy không chỉ là để bắt đầu một vụ trồng lúa mới mà còn là cách người dân dự báo thời tiết và đoán biết vụ mùa có bội thu hay không.

Nghi thức Xuống đồng được thực hiện ngoài Cung điện Hoàng gia tại thủ đô Phnom Penh. Lúc này, Đức Vua hay một vị sứ giả sẽ thực hiện động tác cày ruộng với lưỡi cày được kéo bởi hai chú bò đực lực lưỡng. Sau ba vòng cày, những chú bò này được đem ra để lựa chọn một trong các loại thức ăn: gạo, ngô, đậu xanh, vừng, cỏ tươi, nước và rượu gạo. Người dân sẽ cẩn trọng quan sát để xem cách lựa chọn của con vật mà dự đoán về vụ mùa sắp tới. Ví dụ, nếu con bò chọn uống rượu thì điều đó có nghĩa là tình hình tội phạm gia tăng, nếu uống nước là năm đó có thể có lũ lụt, nếu ăn cỏ có nghĩa là một lượng lớn gia súc sẽ bị suy giảm.


4. Ngày Lễ mừng sinh nhật Đức Vua

Đức Vua là người được nhân dân tôn kính và có vị trí quan trọng đối với đất nước Campuchia. Chính vì thế, việc tổ chức lễ sinh nhật trong hai ngày cho ngài là điều không thể thiếu trong phong tục của quốc gia. Hiện nay, người trị vì vương quốc Campuchia là Đức Vua Norodom Sihamoni - đã cầm quyền từ 29/10/2004. Ngài có sinh thần vào ngày 14/5. Trong hai ngày liên tiếp, nhân dân và hoàng gia nô nức mừng lễ sinh nhật. Nhiều cửa hàng kinh doanh và nhà dân còn treo ảnh Đức Vua để tỏ lòng thành kính.


5. Ngày giỗ Vua Cha Norodom

Ngày giỗ Vua Cha Norodom

Vị Vua Cha Norodom viên tịch vào ngày 15/10/2012 đã tạo nên một sự đau buồn cực độ trong cộng đồng người dân Campuchia. Trước đó, Ngài đã thoái ngôi và truyền lại quyền điều hành đất nước cho người con trai của mình vào năm 2004. Để tỏ lòng thương tiếc của mình, nhân dân Campuchia đã dành hẳn 100 ngày để tang Vua Cha khi ngài qua đời vào năm 2012. Cho đến ngày nay, ngày viên tịch của Vua Cha trở thành một ngày lễ đặc biệt đối với người dân.


6. Ngày ký Hiệp ước Hòa bình Paris

Ngày ký Hiệp ước Hòa bình Paris

Vào ngày 23/10/1991, Hiệp ước Hòa bình Paris đã được ký kết đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn của một thời kỳ xung đột tàn khốc. Sự kiện này cũng đánh dấu việc triển khai sứ mệnh gìn giữ nền hòa bình sau Chiến tranh lạnh của cơ quan UNTAC - cơ quan Chuyển tiếp Liên hợp quốc tại Campuchia. Có thể nói rằng, UNTAC là đại diện đầu tiên của tổ chức Liên hợp quốc tiếp quản chính phủ của một quốc gia. Cơ quan này hoạt động trong hai năm liên tiếp từ 1992 đến 1993 để khôi phục lại hòa bình, tổ chức, điều hành cuộc bầu cử trong cả nước và thúc đẩy nhân quyền.


7. Ngày Quốc khánh Campuchia

Ngày Quốc khánh Campuchia được tổ chức vào ngày 09/11 hàng năm. Đó là mốc đánh dấu sự độc lập hoàn toàn của nhân dân trên đất nước này sau 90 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Cứ đến ngày 09/11 hàng năm, nhiều sự kiện ấn tượng được tổ chức khắp nơi tại Campuchia. Khắp các con phố, đâu đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ. Nổi bật nhất là lễ kỷ niệm tại Đài tưởng niệm Độc lập được cử hành bởi Đức vua. Lúc này, nhân dân từ khắp nơi đổ về nơi đây để cùng hòa mình vào không khí phấn khởi, trang nghiêm và tự hào của dân tộc.


8. Ngày Tưởng Niệm

Mới gần đây, chính phủ Campuchia mới thêm Ngày tưởng niệm trở thành một ngày lễ lớn của quốc gia. Ngày lễ này được tổ chức vào ngày 20/5 hàng năm để tưởng nhớ về sự tàn sát khốc liệt của Khmer Đỏ đối với nhân dân vào ngày 20/5/1976. Đó là một ngày đen tối nhất trong lịch sử quốc gia bởi đã có không biết bao người dân vô tội bị tàn sát dưới chế độ độc tài hung ác


9. Ngày Pchum Ben

Ngày Pchum Ben

Ngày Pchum Ben hay còn được biết đến là Ngày của Tổ tiên trong văn hóa truyền thống của người Campuchia. Nó tương tự như ngày cô hồn của Việt Nam hay lễ Halloween của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chính vì thế, đây là một ngày vô cùng quan trọng đối với người dân trên đất nước Campuchia.

Vào ngày Pchum Ben, nhân dân địa phương tin rằng có những linh hồn tổ tiên bảy đời của gia đình chưa được siêu thoát có thể quay trở lại dương gian. Những linh hồn này thường là ma đói và có thể gây hại cho người trần. Chính vì thế, nhân dân thường có phong tục đi dâng lễ tại các ngôi chùa - có thể lên đến bảy địa chỉ khác nhau - để dâng lễ cho những vị sư phụ. Họ tin rằng những vị sư ấy có năng lực chuyển đồ ăn họ dâng lên tới những linh hồn đói bụng.

Bởi sự kiện Pchum Ben cũng quan trọng đối với người dân địa phương nên họ thường tạm gác lại công việc để thực hiện các nghi lễ một cách tươm tất. Chính vì thế,dịch vụ du lịch trong thời gian này cũng trở nên giảm sút và giá thành tăng cao. Bạn nên cân nhắc kỹ trước cho chuyến hành trình của mình nếu đi đúng vào ngày này nhé!


10. Ngày Meak Bochea

Ngày Meak Bochea

Tiếp sau Ngày Chiến thắng sẽ là ngày Meak Bochea được tổ chức vào ngày rằm của tháng thứ ba hàng năm (theo Phật lịch) - ngày meak. Đây là ngày lễ Phật giáo quan trọng trên toàn đất nước không chỉ để mừng ngày trăng tròn mà còn là Lễ tưởng niệm thuyết giảng của Đức Phật.

Trở lại câu chuyện theo nhà Phật, đã từng có tới hơn 1000 vị sư tụ hợp lại để nghe Đức Phật giảng dạy đạo lý vào ngày Meak sau khi ngài thực hiện việc giảng dạy được bảy tháng liên tiếp. Đức Phật là người được giao trọng trách lớn lao là truyền dạy giáo lý Phật giáo đến nhân dân. Chính ngài là người đặt nền móng cho sự phát triển hưng thịnh của đạo giáo này cho đến ngày nay. Ngài tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình tới nhiều Phật tử cho đến 45 năm sau thì viên tịch cũng vào đúng ngày Meak.

Lễ hội Meak Bochea được tiến hành từ rất sớm. Thông thường, nhân dân sẽ chuẩn bị những mâm lễ tươm tất để dâng kính lên các vị chư tăng. Đến khi đêm về, từng đoàn người kéo nhau lên chùa để nghe giảng đạo và thực hiện lễ rước nến lung linh, trang trọng. Tại đền, người ta phải hành lễ bằng cách đi xung quanh ngôi đền ba vòng liên tiếp, trên tay là hoa, hương và nến. Theo quan niệm của người dân, mỗi vòng quanh điện là tượng trưng cho tam bảo: Phật, Pháp và Tăng.


11. Ngày lễ Vesak Bochea

Ngày Lễ Vesak Bochea

Ngày lễ Vesak Bochea liên quan đến ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật đó là: Sinh thần, Giác ngộ và sự ra đi vào cõi niết bàn. Vào ngày này, Phật tử Campuchia thường xuyên cầu nguyện tới Phật tổ và dâng lễ quần áo, thực phẩm đến các vị sư trong chùa. Đây là một ngày lễ quan trọng đối với những người theo đạo Phật. Chính vì thế, nó thường tổ chức nô nức tại các khu vực có số lượng Phật tử đông đảo. Ngày lễ này rơi vào ngày rằm của tháng thứ sáu theo Phật lịch (thường vào khoảng tháng mười một dương lịch).


12. Ngày Lễ Angkor

Đối với khách du lịch, những hoạt động được tổ chức trong ngày lễ Angkor tại đền Angkor Wat mang đến sức hút vô cùng hấp dẫn. Nhiều vị chức sắc và đôi khi cả Đức Vua đều tham gia vào sự kiện này. Những người nghệ sĩ từ khắp nơi trong khu vực Châu Á đều tụ họp tại nơi đây để trình diễn tài năng của mình. Các màn trình diễn này chủ yếu xoay quanh câu truyện hùng tráng từ sử thi của người Khmer. Để lột tả sinh động từng chi tiết, mỗi người nghệ sĩ đều diện lên mình trang phục cầu kỳ, thể hiện các điệu múa uyển chuyển trong âm nhạc và nhịp điệu sôi động. Tùy vào cách tính lịch của người Khmer mỗi năm, ngày lễ Angkor sẽ rơi vào khoảng tháng mười và tháng mười một dương lịch.


13. Lễ hội nước

Lễ hội nước

Bên cạnh hai dịp lễ lớn là Ngày Mừng Năm Mới Khmer và Pchum Ben, người dân Campuchia còn có Lễ Hội nước cực kỳ sôi động với tên gọi Bon Om Touk. Ngày lễ này được tính theo âm lịch nên thường rơi vào khoảng tháng 11 hàng năm. Ngược lại với hai ngày lễ trên, lễ hội nước khiến người dân đổ về Biển Hồ để tham dự lễ đua thuyền khiến cho lượng người ở thủ đô Phnom Penh trở nên giảm sút. Lễ hội này được tổ chức nhằm đánh dấu dòng chảy ngược giữa hai dòng sông Mê Công và Tonle Sap - một điều vô cùng độc đáo của quốc gia. Trong suốt mùa mưa, nước của dòng sông Tonle Sap dềnh lên bởi lượng mưa lớn và đổ vào Biển Hồ. Điều này khiến nước hồ tăng lên nhanh chóng và khiến diện tích của nó mở rộng tới 10 lần kích thước thông thường. Bên cạnh đó, lễ Bon Om Touk còn là cách để người dân cảm tạ dòng sông - là nguồn sống của đất nước bởi nó đã cung cấp một lượng nước lớn cho nông nghiệp và mang đến nguồn thủy sản dồi dào. Lễ hội nước là ngày khắp Campuchia đều ngập tràn trong không khí vui tươi và phấn khởi để cử hành ba lễ quan trọng:

  • Loy Pratip

  • Sampeas Preah Khe

  • Auk Ambok

Mỗi ngày trong Lễ hội Nước, dọc theo bờ sông trong thành phố là hàng ngàn người dân tới tập trung đông đảo. Họ háo hức được ngắm nhìn và cổ vũ cho những chiếc thuyền thi đấu dưới sông. Hoạt động tấp nập ấy có thể kéo dài cho đến tối để tìm được đội thắng cuộc.


14. Lễ hội Biển

Campuchia tự hào khi mình có một đường bờ biển dài với thiên nhiên tuyệt đẹp. Để tôn vinh nét ấn tượng ấy cũng như thu hút khách du lịch, một lễ hội Biển được tổ chức thường niên vào tháng 12 tại một trong bốn bãi biển của đất nước. Lễ hội đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chuỗi sự kiện hấp dẫn này được tổ chức vào năm 2011. Cho đến nay, đất nước Campuchia lại thu hút một lượng khách du lịch lớn vào mỗi dịp cuối năm.

Có vô số các hoạt động được tổ chức đồng thời khi lễ hội Biển diễn ra. Những sự kiện này thường bắt đầu từ sớm và kết thúc khi chiều về. Đó là công sức tổ chức và điều hành bởi Bộ Du lịch Campuchia, Ủy ban Olympic quốc gia và Bộ Văn hóa và Nghệ thuật. Trước hết phải kể đến các môn thể thao được chơi trên biển - các hoạt động mà du khách có thể được tự mình trải nghiệm như: đua motoboat, bơi lội, võ thuật cổ truyền Campuchia, chạy điền kinh và bóng chuyền. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội mãn nhãn trước sự hoành tráng của âm thanh, ánh sáng và màu sắc của từng chi tiết trang trí, cuộc diễu hành cho đến các chương trình văn nghệ ấn tượng.

Nhân dân Campuchia vô cùng tự hào khi nhắc đến các lễ hội truyền thống đặc sắc của đất nước mình. Đó là thời gian họ được nghỉ ngơi, thư giãn và tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, thần linh. Nét truyền thống văn hóa được thể hiện rõ ràng trong cách người dân tổ chức lễ hội, hành lễ và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Chính vì thế, hòa mình vào sự sôi động và trang nghiêm của các ngày lễ này là cách tuyệt vời để du khách biết thêm nhiều hơn về văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer.


Nội dung

  • 1. Ngày Chiến thắng lật đổ chế độ Khmer Đỏ
  • 2. Ngày Lễ Năm Mới Khmer
  • 3. Ngày lễ Xuống đồng Hoàng gia
  • 4. Ngày Lễ mừng sinh nhật Đức Vua
  • 5. Ngày giỗ Vua Cha Norodom
  • 6. Ngày ký Hiệp ước Hòa bình Paris
  • 7. Ngày Quốc khánh Campuchia
  • 8. Ngày Tưởng Niệm
  • 9. Ngày Pchum Ben
  • 10. Ngày Meak Bochea
  • 11. Ngày lễ Vesak Bochea
  • 12. Ngày Lễ Angkor
  • 13. Lễ hội nước
  • 14. Lễ hội Biển

Đăng ký nhận ngay khuyến mãi

Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn

Zalo logo
Chat Zalo(8h - 24h)
Chat Facebook(8h - 24h)
089 9094 678(8h - 24h)