Top 13 món ăn đặc sản Hà Giang khiến bạn ăn vào là mê ngay

Trần Thanh Loan

Trần Thanh Loan

Content Writer17/05/2021

Hà Giang không chỉ là vùng đất nổi tiếng với hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, đèo núi cheo leo,... mà còn được biết tới với những món ăn đặc sản làm say lòng khách du lịch khi ghé thăm mảnh đất cao nguyên đá này. Hà Giang hùng vĩ, khác nghiệt là thế nhưng nơi đây lại sản sinh ra vô vàn món ăn đặc sản ngon và hấp dẫn để chiêu đãi các vị khách đến từ phương xa, chỉ một lần ăn thôi cũng sẽ nhớ mãi không quên. Trong bài viết này, hãy cùng Justfly điểm danh một số món ăn đặc sản tại Hà Giang để bạn có thể hiểu hơn về nền ẩm thực tại nơi đây cũng như biết đến chúng để mua về làm quà biếu bạn bè, người thân nhé!

Nôi dung

  • 1. Trâu gác bếp
  • 2. Thắng dền
  • 3. Cháo ấu tẩu
  • 4. Lợn cắp nách
  • 5. Phở chua
  • 7. Rêu nướng
  • 8. Rượu ngô
  • 9. Cơm lam Bắc Mê
  • 10. Cam sành Bắc Quang
  • 11. Thắng cố Hà Giang
  • 12. Xôi ngũ sắc
  • 13. Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn

Hà Giang không chỉ là vùng đất nổi tiếng với hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, đèo núi cheo leo,... mà còn được biết tới với những món ăn đặc sản làm say lòng khách du lịch khi ghé thăm mảnh đất cao nguyên đá này. Hà Giang hùng vĩ, khác nghiệt là thế nhưng nơi đây lại sản sinh ra vô vàn món ăn đặc sản ngon và hấp dẫn để chiêu đãi các vị khách đến từ phương xa, chỉ một lần ăn thôi cũng sẽ nhớ mãi không quên. Trong bài viết này, hãy cùng Justfly điểm danh một số món ăn đặc sản tại Hà Giang để bạn có thể hiểu hơn về nền ẩm thực tại nơi đây cũng như biết đến chúng để mua về làm quà biếu bạn bè, người thân nhé!


1. Trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp Hà Giang được biết tới là đặc sản lâu đời của người dân tộc Thái tại Hà Giang. Khi ghé thăm miền núi Tây Bắc, có dịp đi qua mảnh đất Hà Giang, bạn sẽ được trải nghiệm sự hấp dẫn của những miếng thịt trâu gác bếp, thịt trâu hun khói được đặt lên trên các nóc bếp của người dân tộc nơi đây. Đây được coi là một nét đặc trưng không hề pha trộn được với các nơi khác và là ấn tượng khó phai của bất cứ du khách nào khi đến đây.

Với nguyên liệu chính là thịt trâu được lấy đúng chuẩn, người làm kết hợp thêm những gia vị cổ truyền như gừng, ớt, tiêu nhưng lại được trộn theo tỷ lệ nhất định, để cho khô rồi vắt lên bếp củi hun khô. Vì vậy mới được thứ thịt trâu gác bếp thơm ngon chuẩn vị đến thế.

Thịt trâu gác bếp

Để ăn thịt trâu gác bếp đúng chuẩn thì sau khi lấy miếng thịt trâu ra khỏi tủ lạnh thì có thể cho vào lò vi sóng quay khoảng 3 – 4 phút mà không cần nướng lên, chỉ cần xé nhỏ là có thể ăn được luôn. Nhâm nhi thịt trâu gác bếp với một chút bia, rượu rồi ngồi tán gẫu với bạn bè thì còn gì tuyệt vời hơn.

Rất ít người biết rằng, để món thịt trâu gác bếp ngon nhất vẫn một phần ảnh hưởng bởi nước chấm, nó được xem như linh hồn cho các món ăn. Khác với những món ăn khác, thịt trâu gác bếp Hà Giang không cần cầu kỳ phải pha nước chấm chua ngọt hay tiêu chanh gì cả. Thứ nước chấm đơn giản nhất chính là chấm với tương ớt và chẩm chéo, như vậy cũng đủ lấy lòng các vị khách khó tính nhất rồi!

Hoặc bạn cũng có thể lấy thịt trâu gác bếp để chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như xào lá tỏi tươi, xào rau cải,... Đặc biệt, phải kể tới món thịt trâu gác bếp rang lá chanh. Hương thơm đặc trưng của thảo quả cùng hương lá chanh tươi sẽ đánh thức mọi giác quan của bất kỳ ai. Chỉ cần ăn một miếng là đã cảm thấy biết bao tinh túy ẩm thực đều chứa đựng bên trong. Cái vị ngọt bùi của phần thịt nạc kèm theo chút ngậy mềm của thịt mỡ càng khiến cho món ăn hoàn hảo hơn bao giờ hết. Chỉ cần một đĩa thịt treo gác bếp thôi là có thể ăn đến 3 – 4 bát cơm rồi.

Món ăn được chế biến cầu kỳ vô cùng

2. Thắng dền

Trong những ngày lạnh giá ở vùng cao Hà Giang, nhiều người thường nghĩ phải chọn món ăn gì đó thật nóng hổi, thật cay nồng nhưng cũng phải thật ngọt ngào để ấm bụng. Và có lẽ, thắng dền là sự lựa chọn thích hợp nhất. Món ăn này thoạt nhìn thì rất giống với bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh coóng phù Lạng Sơn, nhưng hương vị lại vô cùng khác biệt, mà chỉ cần ăn được một lần sẽ thấy khó quên.

Đặc sản thắng dền Hà Giang

Thắng dền chẳng biết từ bao giờ đã trở thành món ăn vặt đặc sản Hà Giang, đó cũng là một món ăn mà người dân nơi đây hay giới thiệu đến những vị khách lần đầu đặt chân tới cao nguyên đá này. Bánh được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hay bọc nhân đậu đỗ. Làm thắng dền không khó nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo và tinh tế. Đầu tiên là việc chọn gạo nếp, theo những người làm bánh, phải là nếp Yên Minh (gạo nếp ngon ở Hà Giang), hạt mẩy và dẻo thơm mới được. Gạo nếp sau khi đã ngâm thì để ráo xay bột, rồi đổ vào trong một chiếc túi vải, đợi cho tới khi bột đặc mịn thì mới đem ra làm bánh.

Thắng dền nhiều màu sắc ấn tượng

Trong không gian xe lạnh của khu phố cổ Đồng Văn yên bình, mộc mạc, có lẽ thắng dền là món ăn vô cùng tuyệt vời, nó hài hòa giữa vị ngọt của đường hoa mai, béo ngậy của dừa và chút cay tê, đủ vị ấm nóng để xua đi cái giá lạnh nơi miền sơn cước này. Với giá chỉ 5,000 VND/ bát, bạn có thể thoải mái ngồi thưởng thức bát thắng dền nóng hổi nghi ngút khói, dẻo, ngọt và dậy mùi thơm của vừng lạc để cơ thể được ấm nóng hơn, tiếp tục chinh phục các cung đường đèo dốc.

Người dân nơi đây vẫn thường nói thắng dền là món bánh ăn chơi vào mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm món bánh này. Đón bát thắng dền ấm nóng cũng như tấm lòng của người dân miền cao nguyên đá này, đôn hậu và dung dị nhưng cũng thật dễ mến.


3. Cháo ấu tẩu

Củ ấu tẩu còn được gọi với cái tên khác là phụ tử hay ô đầu, loại củ này thường mọc ở trên vùng núi cao, có khí hậu lạnh. Theo y học, củ ấu tẩu có tính nóng, vị cay tê và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Cháo ấu tẩu Hà Giang có mùi thơm, béo ngậy, cay và đặc biệt biệt là đắng, vị đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn sẽ cảm thấy một vị khó nuốt, đắng bùi nhưng chỉ cần vài ba thìa nữa là thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể gây nghiện.

Đặc sản cháo ấu tẩu

Cách nấu cháo ấu tẩu cũng rất công phu. Thông thường cháo phải nấu trong nồi cơm điện từ 5 giờ chiều hôm trước cho tới 6 giờ sáng hôm sau mới được, nếu nấu bằng bếp củi thì cần phải ninh với thời gian lâu hơn. Phải nấu lâu như vậy là vì để khử độc tố trong củ ấu tẩu. Khi ấu tẩu đã hết độc tố, sẽ kết hợp được cùng với những nguyên liệu khác thành món cháo ấu tẩu đặc biệt.

Món này có thể sử dụng để ăn sáng

Nguyên liệu khác gồm có gạo nếp cái hoa vàng được trộn lẫn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò cùng với củ ấu tẩu đã hết độc tố. Thêm một chút thịt nạc băm nhỏ và chút gia vị. Chao khi ăn có vị đắng nên có nhiều người gọi là cháo đắng. Nguyên liệu nấu cháo cực kỳ đơn giản nhưng khi đã qua bàn tay chế biến của người đồng bào nơi đây thì nó đã trở thành một món ăn vô cùng độc đáo và thơm ngon, bùi ngậy, ăn ngon và no lâu.

Dựa theo kinh nghiệm của những người nấu cháo ấu tẩu bán tại Hà Giang nhiều năm thì khi nấu cháo, tuyệt đối không được nấu trong nồi áp suất. Vì nếu nấu nồi áp suất thì ấu tẩu sẽ nhanh nhừ nhưng lượng độc tố bên trong củ ấu tẩu lại không phân hủy hết được. Trước đây đã từng có người nấu cháo theo cách này ăn vào và bị chết. Nhưng nếu nấu đúng cách, cháo ấu tẩu có thể giải cảm, khử độc trong cơ thể, chữa trị nhức mỏi lưng,... Nếu không may có người bị trúng độc do ăn cháo ấu tẩu thì cần phải mát xa, tẩm quất ngay để giải độc. Trong khi tẩm quất nếu giác hơi được cho người trúng độc được thì càng tốt. Đây là phương pháp giải độc duy nhất khi có người bị trúng độc củ ấu tẩu.


4. Lợn cắp nách

Đã từ lâu, món ăn nổi tiếng tại Hà Giang không thể thiếu được các món ăn chế biến từ lợn cắp nách. Lợn cắp nách đã trwor thành một cái tên được rất nhiều người biết đến khi tới Hà Giang. Với đặc điểm thịt săn chắc, nhiều nạc, thơm ngon nên những món ăn chế biến từ lợn cắp nách đều rất ngon. Và các món ăn từ lợn cắp nách còn nói lên một nét văn hóa độc đáo trong chăn nuôi của đồng bào dân tộc nơi đây.

Lợn Hà Giang được nuôi thả trên đồi

Lên đến Hà Giang, tìm tới các phiên chợ thì khách du lịch sẽ rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người dắt lợn, ôm lợn hoặc cắp bên nách mang đi bán. Những con lợn nhỏ được cho vào bên trong rọ được mời chào. Từ đây cái tên lợn cắp nách được ra đời. Lợn cắp nách là một giống lợn lai giữa lợn Mường và lợn rừng, được người dân bản địa ở cao nguyên đá này chăn nuôi. Nói là chăn nuôi nhưng thực tế những chú lợn này sau khi sinh ra đã được thả rông mặc nắng mưa, không có chuồng trại và cũng không được chăm sóc như lợn dưới miền xuôi. Những con lợn này sẽ tự sinh sống và kiếm ăn từ các củ dại ở vườn, rừng. Thỉnh thoảng, người dân nơi đây mới cho chúng ăn thêm ngô, khoai, sắn,...

Cũng bởi vì cách chăn nuôi đặc biệt này nên lợn cắp nách rất ít thịt mỡ, nhiều nạc, thịt săn chắc ăn vào rất ngon. Tùy vào mỗi sở thích mà có thể chế biến lợn cắp nách thành nhiều món ăn khác nhau như kho, nướng, hấp, nấu canh,... Tuy nhiên khi đặt chân tới đây, bạn đừng quên món lòng dồi, cùng với món thịt bụng lẫn sườn hấp cách thủy chấm kèm lá nhội giã nhỏ trộn cùng hạt mắc khén hoặc hạt dổi. Những món ăn này có hương vị vô cùng đặc biệt đấy!

Các món được chế biến từ lợn cắp nách

Cũng nhờ độ sạch và ngon tuyệt đối nên thịt lợn cắp nách đã trở thành một món ăn đặc sản với rất nhiều du khách. Họ tìm đến đây để kiếm tìm nhiều món ngon nổi tiếng Hà Giang được chế biến từ thịt lợn cắp nách để thưởng thức, và nhiều người còn mua nguyên con mang về làm quà hoặc để ăn dần.


5. Phở chua

Phở chua có thể gặp ở rất nhiều nơi, song, món phở chua tại Hà Giang có nhiều điểm khác biệt. Đây là một món ăn mà khách du lịch nên lựa chọn cho thực đơn của mình khi trải nghiệm tại Hà Giang. Nguồn gốc về món phở chua được nhiều người cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được lưu truyền ở các tỉnh miền núi Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Giang.

Vậy tại sao lại gọi là phở chua? Vì nó khác với các món phở ở dưới xuôi, phở chua có nước dùng không thơm béo mà có vị chua nhè nhẹ, thêm một chút ngọt, rất dễ ăn. Bí quyết để cho nước chua được ngon ngọt chính là từ nước muối chua của măng hay rau cải, một vài quán thì sử dụng dấm. Nước chua chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt của món phở chua giữa các gia đình với nhau bởi vậy thường thì công thức chế biến nước chua sẽ chỉ được lưu truyền trong gia đình.

Bánh phở chua được làm từ những loại gạo nương ngon nhất, gạo mang đi xay rồi tráng thành bánh. Khi tráng thành bánh, bột gạo dẻo dai nên có thể thái thành những sợi phở nhỏ. Bánh phở có thể cắt to nhỏ tùy theo nhu cầu của người sử dụng.

Thưởng thức phở chua Hà Giang sẽ cảm thấy hương vị rất riêng, Khi ăn người dùng từ từ lấy đũa trộn thật nhẹ để các thành phần của đĩa phở hòa quyện vào nhau những không bị nát. Khi đã trộn xong thì cũng đến lúc thưởng thức rồi. Đưa lên miệng tận hưởng bánh phở chua chua ngòn ngọt, các loại thịt thơm ngon được người đầu bếp chế biến khéo léo các loại gia vị, rau thơm khiến bạn không thể dừng đũa. Thưởng thức phở chua có thể uống cùng với rượu ngô. Phở lạnh kèm chút nóng ấm của rượu ngô càng khiến cho món ăn thêm phần thú vị.

Nhiều nơi ở Hà Giang còn sử dụng món phở chua như một món ăn giải ngấy trong mâm cỗ cưới. Mặc dù Hà Giang có nhiều món ngon, nhưng có nhiều người cho rằng, phở chua là một món ngon, hấp dẫn và lạ miệng, thậm chí còn có người cho rằng nếu chưa ăn phở chua thì coi như bạn chưa đặt chân tới vùng đất Hà Giang.


6. Bánh tam giác mạch

Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch đã trở nên nổi tiếng tuy vậy ít ai biết rằng sau những mùa hoa quyến rũ ở Hà Giang còn có đặc sản bánh tam giác mạch hấp dẫn và ngon tuyệt. Tháng 10, 11 tại cao nguyên đá Hà Giang ngập tràn một sắc tím hồng man mác của loài hoa tam giác mạch. Mê đắm vì sắc hoa lãng mạn của cây tam giác mạch mà người ta thường quên mất đây là một loại cây lương thực. Sau mùa hoa, người dân bản địa thu hoặc hạt tam giác mạch và chế biến thành nhiều món ngon có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe như bánh tam giác mạch.

Để có thể làm ra một chiếc bánh tam giác mạch cần đòi hỏi quy trình cũng không dễ. Sau khi thu hoạch, người ta đem phơi khô hạt, một phần để ủ tạo men và phần còn lại để làm bánh. Những hạt tam giác mạch được xay mịn thành bột rồi đem nhào với nước cho tới khi dẻo. Sau khi đã nhào bột với nước để đúc thành những chiếc bánh tròn, dẹp và rộng hơn gang tay thì đem hấp chín, khi ăn sẽ mang ra nướng trên bếp than cho nóng hổi và thơm phức.

Bánh tam giác mạch chỉ nghe cái tên đã gợi bao háo hức. Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận được vị ngọt thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoang thoảng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng. Với thời tiết se lạnh trên cao nguyên, khi ghé thăm các chợ phiên vùng cao, bạn có thể bắt gặp những hình ảnh thực khách xuýt xoa bên bếp lửa hồng, chờ cho món bánh còn nóng hổi ăn cùng thắng cố.

Bẻ miếng bánh tam giác mạch cảm nhận một chút vị hăng và vị bùi ngậy đặc trưng của loại bánh này. Bạn có thể thưởng thức ngay tại chợ phiên hoặc mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Những chiếc bánh tam giác mạch được xếp thành từng chồng, tất cả đều có chung một màu tím đầy thơ mộng, huyễn hoặc. Lên vùng cao vào những ngày đầu đông se lạnh, ngắm cảnh Hà Giang mờ sương, nhâm nhi miếng bánh tam giác mạch mà chỉ vừa mới đây thôi, hoa của nó còn nở rộ tím hồng khắp các sườn đồi thì còn gì thú vị hơn. Bạn sẽ cảm nhận được hết thi vị của nơi đây và thấy tâm hồn mình dường như cũng lắng đọng cùng với cảnh vật Hà Giang.


7. Rêu nướng

Rêu là một món ăn có từ rất lâu về trước của nhiều dân tộc như Thái, Mường, Mông,... Tuy nhiên đối với người Tay thì đây được coi như một món ăn đặc sản và đặc biệt là rêu nướng. Đây không những là món ăn thông thường mà rêu còn có khả năng chữa được nhiều căn bệnh,, giúp lưu thông khí huyết, giải nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng,...

Theo người dân địa phương, khi đi tìm kiếm rêu, họ thường chọn các bãi rêu lớn, vì ở đó rêu vừa nhiều, lại vừa ngon. Rêu được dùng để chế biến món rêu nướng thường là loại rêu đá có màu xanh thẫm, sợi cực kỳ mỏng. Sau khi được vớt lên, rêu sẽ được vò dập thật kỹ để nhả sạch hết nhớt và phù sa. Tiếp đó mang đi tẩm ướp gia vị để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Đối với món rêu nướng thì người dân tộc tày tại Hà Giang thường ướp rêu với sả, mùi tàu, hạt dổi, lá hẹ, muối,... để tạo ra hương vị đặc trưng rất riêng của món ăn này. Sau khi đã trộn đều chúng lại với nhau, gói hỗn hợp vào trong lá dong và nướng trên bếp than cho tới khi nước bị thấm ra ngoài lá. Khi chín, rêu từ những loại nguyên liệu hòa quyện, đan xen vào nhau ngon tuyệt cú mèo.

Bên cạnh đó, rêu còn được chế biến thành nhiều món ăn khác như rêu hầm xương, nộm rêu, rêu nấu canh gà, rêu rán,... Bởi vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn mang phơi khô rêu, cất lên trên gác bếp để làm món ăn dự trữ.


8. Rượu ngô

Nhắc tới rượu ngô, người ta sẽ nhớ ngay tới Hà Giang, mảnh đất có người dân tộc H’mông sinh sống. Rượu ngô Hà Giang uống vào có vị ngọt, ngon mà thơm, đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có được. Chính vì vậy mà những lần xê dịch tới Hà Giang, du khách đều không thể nào cầm lòng được mà thử ngay hương vị rượu thơm nồng này.

Rượu ngô Hà Giang

Rượu ngô Hà Giang sử dụng loại ngô trồng ở trên núi, kết hợp với men tự nhiên để tạo nên loại rượu vừa dễ chịu lại vừa ngon mà chẳng đau đầu. Vì vậy mà đến những bản làng, người ta lại thấy người dân bản địa tiếp đón khách quý bằng những chén rượu ngô và đặc sản thịt gác bếp, lạp xưởng.

Thử tưởng tượng vào những ngày thời tiết se lạnh, trong cái phong cảnh nên thơ hữu tình của đất trời Hà Giang mà bạn được thưởng thức thắng cố, cháo ấu tẩu thơm lừng cùng vài chén rượu ngô thì tuyệt vời biết mấy. Chắc chắn chuyến du lịch tới Hà Giang của bạn cũng không thể bỏ qua món quà đặc sản này để đem về tặng gia đình và bạn bè đúng không nào?


9. Cơm lam Bắc Mê

Nếu một lần đến với hà Giang, ghé thăm những bản làng của đồng bào người Tày tại Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê thì bạn hãy nếm thử món cơm lam ở đây, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị đậm đà mà đặc biệt của nó. Cơm lam thường được làm bên trong ống tre, ống nứa, tuy nhiên ngon nhất vẫn là dùng ống cây hóp non.

Cơm lam Bắc Mê được nướng thơm ngon

Cây được chọn làm cơm lam không được quá già hay quá non, người tày hay gọi đó là cây bánh tẻ. Sở dĩ phải chọn như vậy vì lúc đó ống cây hóp dày, trữ một lượng nước đáng kể bên trong thân cây. Nước này trong vắt và có hương thơm thanh mát. Và muốn có cây hóp tích trữ được nhiều nước nhất thì phải đi chặt cây từ khoảng 8 giờ sáng cho đến trước 11 giờ trưa. Ống hóp được chọn phải là loại ống có lóng dài, vỏ ngoài phải xanh và tươi, thân ống vừa phải, không quá bé mà cũng không quá to.

Khi thưởng thức cơm lam Bắc Mê, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm hòa quyện cùng với mùi lá chuối và ống nướng thật hấp dẫn. Cơm lam ăn kèm với muối vừng hoặc cá suối nướng sẽ thơm và bùi hơn. Nếu như bạn đã thưởng thức món cơm lam một lần thì chắc chắn sẽ không thể nào quên được hương vị đậm đà mang nhiều hương vị đặc trưng của nơi vùng cao địa đầu Tổ quốc.

Cơm lam Bắc Mê chấm với muối lạc

Ngày xưa, cơm lam là một món ăn ưu tiên cho các sản phụ, nhất là những phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bú bởi vì người dân ở đây cho rằng, ăn cơm lam sẽ tránh được các chất kim loại như nhôm, sắt, đồng do việc chúng ta nấu cơm bằng nồi kim loại sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm sữa và chất lượng nguồn sữa của người mẹ.


10. Cam sành Bắc Quang

Ai có dịp đi đến Bắc Quang, Hà Giang vào những ngày cuối năm dường như đều có ấn tượng mạnh với những vườn cam sành sai trĩu quả. Bắc Quang vào những dịp cuối năm, khi đang chìm đắm trong cái rét tê tái của mùa đông nhưng ai cũng đều cảm thấy ấm lòng khi nhìn thấy những vườn cam sành mát mắt, nhuốm một màu vàng tươi sáng cả vùng trời. Rồi tìm tới một khu vườn, để được tự mình thưởng thức cái vị ngọt thanh, mát rượi mới biết nhiều hơn về loại quả ngọt rất hợp vùng cao nguyên đá này.

Cam sành Bắc Quang vào mùa luôn là một thứ đặc sản làm quà vô cùng ý nghĩa với mọi du khách khi tới Hà Giang đúng dịp. Cam sành Bắc Quang thường cho rất nhiều quả to, tròn, mặc dù vỏ của nó sần sùi nhưng bên trong lại cực kỳ mọng nước và vị ngọt thanh tự nhiên khó cưỡng lại được. Có lẽ do sinh sống tại điều kiện khắc nghiệt nên cam sành Bắc Quang có cùi rất dày nên vì vậy mà loại cam này có thể để đến 20 ngày mà không bị hỏng. Cam sành Bắc Quang cũng nhờ vậy mà trở thành đặc sản nức tiếng, hương vị độc đáo và thơm lừng không lẫn được với bất cứ giống cam sành nào khác.

Cam sành Bắc Quang thơm ngon

Tiếng lành đồn xa, cam sành Bắc Quang đã trở thành loại cây ăn quả nổi bật bậc nhất tại xứ cao nguyên đá. Để từ đó đến nay, loại quả này khẳng định thương hiệu trong khu vực, ai tới vùng đất Bắc Quang cũng tìm mua cho được một ít cam sành để mang về. Với vị không quá chua nhưng cũng không bị ngọt gắt, cam sành Bắc Quang khiến ai thưởng thức cũng đều mê. Đặc biệt, trong những ngày lễ Tết thì cam sành Bắc Quang trở nên đắt hàng hơn bao giờ hết.

Cam sành Bắc Quang là một sản phẩm của riêng vùng núi Tây bắc, của riêng cùng khí hậu cao nguyên đá Hà Giang. Thương hiệu Cam sành Bắc Quang đã được nhiều người biết tới và hôm nay, nếu như có đến Bắc Quang mà chưa được thưởng thức hương vị cam sành tại chính địa phương thì có lẽ đã mất đi một nửa hương vị đáng nhớ của cuộc hành trình.


11. Thắng cố Hà Giang

Thắng cố Hà Giang không có nhiều sự khác biệt so với thắng cố Sapa hoặc những vùng cao khác. Đây là một món ăn truyền thống của người H’mông, được làm chủ yếu từ nội tạng và thịt ngựa. Đặc sản thắng cố Hà Giang là một món ăn, niềm tự hào của người H’mông nói riêng và đồng bào dân tộc ở vùng rẻo cao nói chung. Theo các già bản người H’mông, từ “thắng cố” là sự biến âm của từ “thảng cố” có nghĩa là canh xương. Thắng cố truyền thống chỉ được nấu từ thịt ngựa nhưng ngày nay, người Mông đã dùng thêm thịt trâu, thịt bò.

Cách làm thắng cố không quá phức tạp, sau khi giết mổ gia súc thì người ta lọc riêng phần thịt bắp, thịt thăn để bán. Còn về phần xương xẩu, thịt vụ, mỡ, tim gan phèo phổi sẽ được làm sạch rồi ướp gia vị để nấu thắng cố. Những nguyên liệu này sau đó mang đi xào tới khi săn lại thì thêm nước vào chảo, ninh thật nhừ. Trước khi ăn, người ta sẽ cho thêm vào bát thắng cố một ít tiết ngựa luộc đã thái thành miếng vuông.

Thắng cố Hà Giang không những độc đáo ở nguyên liệu mà còn khác lạ ở gia vị nêm nếm vào món ăn. Thắng cố được nấu chuẩn nhất sẽ có mùi vị của hoa hồi, thảo quả, địa điền, quế,... Những gia vị vùng rẻo cao này được trộn lẫn theo tỷ lệ nhất định, tạo nên thứ mùi rất đặc trưng. Đây cũng là một trong các lý do khiến cho món ăn này vừa hấp dẫn lại vừa khiến nhiều người e ngại.

Người Mông quan niệm món ăn này để dành cho những cuộc vui, tụ tập nên chỉ làm thắng cố vào những dịp lễ Tết, phiên chợ, hội hè. Chính vì thế, để thưởng thức thắng cố, bạn có thể tới các phiên chợ vùng cao tại Mèo Vạc, Đồng Văn,... Trong không khí lành lạnh, ăn một bát thắng cố nóng hổi, béo ngậy rồi uống vài chén rượu ngô sẽ là một trải nghiệm khó quên đấy!


12. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc Hà Giang thường gồm có các màu như trắng, đỏ, tím, xanh, vàng. Mỗi màu xôi đại diện cho một trong ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trừ màu trắng ra thì các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại củ và lá cây rừng chứ không dùng chất tạo màu. Ghé thăm các chợ phiên hà Giang, bạn khó lòng lướt qua những nồi xôi đẹp mắt và dẻo thơm nghi ngút khói, đặc biệt một gói xôi chỉ có 5,000 VND mà thôi, quá rẻ phải không nào.

Để tạo lên màu sắc độc đáo của món xôi này, người dân đã lựa chọn những loại cây quả đặc trưng của vùng núi để tạo màu cho chúng. Màu trắng chính là màu sắc của gạo nếp cái hoa vàng nếu lên thành như vậy; màu đỏ là màu của quả gấc, lá cơm đỏ; màu xanh thì dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh hay vỏ bưởi, vỏ măng đáng, cây thành ngạnh khô đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi, lá cây ba soi; màu vàng thì dùng củ nghệ giã lấy nước; màu tím sử dụng lá cơm đen hay lá cây sau sau.

Với món xôi ngũ sắc không những đẹp mắt, ăn ngon mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng này thì chúng đã trở thành một món ăn đặc sản nổi tiếng không thể thiếu trong mâm cỗ vào những ngày lễ Tết của người dân tộc nơi đây. Xôi ngũ sắc dẻo thơm nhưng nếu để lâu cũng sẽ dễ bị cứng và khi ăn không cần đến các gia vị khác. Xôi được người dân tộc đem theo để ăn mỗi khi đi làm nương rẫy, bởi khoảng cách từ nhà tới chỗ làm khá xa nên họ đem theo ăn lúc đó sẽ không mất công đi về. Ăn xôi lại no lâu mà cực kỳ tiện lợi để người dân bản địa có thể làm việc tốt hơn.

Qua bàn tay khéo léo của người dân tộc tại Hà Giang, họ đã chế biến từ những hạt gạo nếp ngon, làm thành nhiều màu với hình thức bắt mắt tạo nên món xôi ngũ sắc độc đáo. Trông vừa đẹp mắt mà ăn lại ngon tuyệt nên chúng trở thành món ăn được ưa chuộng và phổ biến của người dân nơi đây. Và khách du lịch khi đến Hà Giang cũng không thể bỏ qua món xôi ngũ sắc độc đáo này.


13. Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn

Khi bạn đi du lịch Đồng Văn, Hà Giang không chỉ được chinh phục cột cờ Lũng Cú, khám phá nhà Vương, tham quan nét kiến trúc độc đáo tại khu phố cổ,... mà còn được thưởng thức món ngon nổi tiếng nhất nhì ở cao nguyên đá – bánh cuốn. Thoạt nhìn, bánh cuốn phố cổ Đồng Văn không khác biệt nhiều so với bánh cuốn dưới xuôi. Vẫn là loại bột gạo hấp tráng mỏng, vẫn là các động tác tay nhanh nhẹn và khéo léo quen thuộc: láng bột thật đều trên mặt vải, đậy nắp lại cho bột chín, hớt bánh ra đĩa rồi cuộn thịt băm, mộc nhĩ lại. Với bánh cuốn trứng thì khi bánh vừa chín tới, chỉ cần đập thêm quả trứng rồi đậy vung lại chờ một chút sau đó mới cho thêm thịt, mộc nhĩ để trứng chín lòng đào mà bánh vẫn mềm mịn và không bị nát.

Khác biệt lớn nhất chắc hẳn nằm ở nước dùng. Không giống với người miền xuôi, sử dụng nước mắm pha thêm đường, ớt, tiêu để làm nước chấm, người dân nơi đây ăn bánh cuốn với nước canh được ninh từ xương lợn. Bát nước được đem ra cùng với bánh cuốn, khói bốc lên nghi ngút, thơm mùi hành lá và mùi tàu thái nhỏ. Vị nước dùng ngọt đậm đà mà béo ngậy.

Khi ăn, bạn xắt bánh thành từng miếng rồi chấm vào nước dùng. Tuy nhiên để có thể cảm nhận tổng hòa vị dẻo thơm của bánh và vị ngọt của nước dùng, bạn nên thả cả chiếc bánh cuốn vào bát canh rồi thêm một chút ớt, tiêu, dấm chua thì món ăn này sẽ càng hấp dẫn và đậm vị.

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn được bày bán tại rất nhiều quán ăn nhỏ trong những phiên chợ, Nhưng nổi tiếng nhất vẫn phải kể tới quán bánh cuốn bà Hà tại thị trấn Đồng Văn. Một đĩa bánh cuốn chỉ có giá trung bình từ 10,000 cho đến 15,000 VND. Ngồi bên trong góc quán nhỏ, hít hà hương thơm của bánh cuốn, của canh và thưởng thức món bánh nóng hổi này sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm vô cùng thú vị đấy!

Vậy là Justfly đã giới thiệu đến bạn 13 món ăn đặc sản Hà Giang khiến bao du khách say mê tìm đến rồi. Vô vàn những món ăn hấp dẫn, những đặc sản tuyệt vời của mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang mà nếu có cơ hội bạn hãy thưởng thức chúng và đem về làm quà nhé! Chúc bạn có chuyến đi du lịch tới Hà Giang với nhiều kỷ niệm đáng nhớ và nhất là nhớ về những điều tuyệt vời mà ẩm thực nơi đây đem lại cho bạn nhé!

Nội dung

  • 1. Trâu gác bếp
  • 2. Thắng dền
  • 3. Cháo ấu tẩu
  • 4. Lợn cắp nách
  • 5. Phở chua
  • 7. Rêu nướng
  • 8. Rượu ngô
  • 9. Cơm lam Bắc Mê
  • 10. Cam sành Bắc Quang
  • 11. Thắng cố Hà Giang
  • 12. Xôi ngũ sắc
  • 13. Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn

Đăng ký nhận ngay khuyến mãi

Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn

Có thể bạn quan tâm

Điểm đến nổi bật khác

Zalo logo
Chat Zalo(8h - 24h)
Chat Facebook(8h - 24h)
0968 368 678(8h - 24h)