09:00 - 17:00(开放)
Núi Vệ Linh (núi Sóc), thôn Phù Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Danh lam thắng cảnh
Bạn có thể đến Đền Gióng vào bất cứ thời gian nào trong năm. Thời tiết ở Sóc Sơn mát mẻ, không khí trong lành nên nếu bạn muốn tìm một địa điểm du lịch tâm linh để “thanh lọc” tâm hồn sau 1 tuần làm việc căng thẳng và muốn rời khỏi thành phố ồn ào, tấp nập và nhiều khói bụi thì đây là một lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm được trọn vẹn và hiểu hết ý nghĩa của khu di tích thì bạn nên đến Đền Gióng vào dịp lễ hội.
Địa hình đến Đền Gióng tương đối dễ đi nhưng lại nhiều dốc, nếu bạn không tự tin về khả năng cầm lái của mình thì có thể -lựa chọn phương tiện công cộng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, lối vào Đền Gióng cách khá xa điểm bus nên bạn có thể lựa chọn đi xe ôm để vào khu di tích nếu không, đi bộ sẽ mất rất nhiều thời gian và làm bạn cảm thấy mệt.
Từ điểm trung chuyển Long Biên, bạn có thể lựa chọn tuyến Bus 15 (Gia Lâm - Phố Nỉ), đến lỗi rẽ vào khu quần thể Sóc Sơn (có biển chỉ dẫn vào khu di tích) thì xuống điểm gần điểm cuối là Phố Nỉ. Rồi từ đó di chuyển vào cổng khu di tích khoảng 3km, bạn có thể căn cứ tình hình để lựa chọn đi xe ôm hoặc đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Nhưng lưu ý khi vào khu di tích bạn phải đi bộ và leo núi nhiều nên nhớ chú ý giữ gìn sức khỏe, tốt nhất bạn nên chọn đi taxi hoặc xe ôm.
Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội, có 2 tuyến đường đi để bạn lựa chọn:
Hướng đi theo cầu Nhật Tân: Bạn di chuyển qua đường cầu Nhật Tân, đến đoạn rẽ ra quốc lộ 5 thì bạn đừng rẽ mà tiếp tục chạy thẳng cho tới khi gặp QL18, rẽ vào đường QL18 một đoạn rồi rẽ trái vào quốc lộ 3. Chạy thẳng thêm một chút nữa sẽ nhìn thấy biển chỉ dẫn đến khu di tích.
Hướng đi theo cầu Thăng Long: Bạn di chuyển theo hướng cầu Thăng Long về phía sân bay Nội Bài. Đến đoạn giao cắt với QL 18 thì rẽ vào đường vòng ra sau lưng sân bay Nội Bài, tiếp tục di chuyển theo hướng đường 131. Khi gặp QL3 thì rẽ trái vào rồi đi thêm 1 đoạn nữa là đến khu di tích.
Lưu ý: Nếu di chuyển bằng xe máy thì bạn nhớ di chuyển tốc độ chậm, lắp gương chiếu hậu đầy đủ và mang theo giấy tờ vì ở đoạn QL18 luôn có CSGT đứng kiểm tra.
Muốn đi vào Đền Gióng thì không cần vé, rất thú vị phải không nào! bạn chỉ cần thanh toán tiền giữ xe và nếu như bạn muốn mua những đồ như nước giải khát, bánh kẹo ở bên ngoài cổng.
Điểm khám phá đầu tiên trong khu di tích Đền Gióng là Đền Hạ, hay còn gọi là Đền Trình. Khi bước vào cổng khu di tích, bạn sẽ thấy ngay Đền Hạ ở bên tay trái, bên ngoài đền có cây đa cổ thụ bên cạnh hồ nước xanh biếc, dưới gốc đa có thờ các linh vật bằng đá đang ngồi chầu về phía Đền.
Đền Hạ thờ thần Nứa, theo truyền thuyết thì đây là vị thần cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời. Thần Nứa được nhân dân gọi là “Thánh Thần Vương”, danh xưng này được khắc trên mũ bức tượng đồng thờ Thần Nứa.
Sau khi tham quan xong Đền Hạ, men theo con đường lát gạch men đỏ là đến chùa Đại Bi. Chùa Đại Bi là ngôi chùa nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo, cửa phủ sơn đỏ, mái vòm uốn cong rồi vút lên trời xanh đẹp mắt..
Bên trong chùa Đại Bi, những câu hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, tạo vẻ uy nghiêm và trang trọng cho ngôi chùa.
Đền Mẫu nằm đối diện chùa Đại Bi, nơi đây thờ mẹ Thánh Gióng. Đây cũng là ngôi đền có diện tích nhỏ nhưng được đầu tư chạm khắc vô cùng tinh xảo. Trước khi vào trong đền, du khách nhìn thấy dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu” được tạc rất công phu, bên trong đền là tượng Mẫu với nét mặt hiền từ, khoan dung, nhân hậu được sơn son thiếp vàng.
Bên ngoài đền có giếng Mẫu với màu nước bốn mùa xanh ngắt. Tuy nhiên, do nhiều du khách đến đây đã thả tiền lẻ xuống giếng làm ảnh hưởng đến nước trên mặt giếng nên hiện tại ban quản lý di tích đã bịt miệng giếng để hạn chế tình trạng trên.
Qua Đền Mẫu, đi thêm một đoạn ngắn sẽ tới Đền Thượng. Con đường dẫn vào Đền Thượng có nhiều tượng đá nhỏ tạc những hình hươu, nai, ngựa…, những rặng thông già có “tuổi đời” hàng trăm năm tuổi, những lùm cây cổ thụ đứng nghiêm trang làm cho khung cảnh Đền Thượng trở nên thêm phần tôn kính. Đền Thượng là 1 trong 4 công trình cuối cùng nằm dưới chân núi Vệ Linh, đền thờ Đức Thánh Gióng.
Trước cửa Đền Thượng có đôi ngựa gỗ, đây là đôi ngựa tượng trưng cho ngựa sắt khi Thánh Gióng đánh đuổi quân thù. Trong đền có nhà Đại Bái và Hậu cung, nhà Đại Bái được trang trí bằng nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía, đôi hạc ...
Trong Hậu Cung có bức tượng thờ Thánh Gióng khá lớn, làm bằng gỗ trầm hương, tượng khoác áo bào đỏ, khuôn mặt phương phi. Bên cạnh tượng có 6 vị công thần đã phò tá giúp Gióng đánh đuổi giặc Ân. So với 2 ngôi đền là Đền Trình và Đền Mẫu, Đền Thượng có diện tích rộng hơn, kiến trúc phức tạp hơn và mang đậm lối kiến trúc nhà Phật.
Nếu bạn khám phá khu di tích theo thứ tự đi từ cổng vào đến các khu đền thì bạn sẽ đi qua khu Nhà Bia và có đường rẽ xuống chùa Non nước. Các bia trong Nhà Bia hoàn toàn khác với các bia thường thấy ở trong các đình, chùa Việt Nam.
Bia ở đây được làm hoàn toàn bằng đá phiến. Theo người dân kể lại, Nhà Bia đã tồn tại hàng trăm năm, phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón. Nhìn từ xa, Nhà Bia trong như một chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa đội khi giết giặc.
Tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng với kích thước khổng lồ: chiều cao 11,07m, độ vươn ra 16m, nặng 85 tấn, tượng đài Thánh Gióng nhìn từ dưới chân núi Vệ Linh sừng sững và hiên ngang biểu tượng cho khí thế ngút trời của Gióng.
Được khởi công xây dựng vào năm 2008, khánh thành năm 2010, đền Gióng là công trình tiêu biểu được lựa chọn để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bức tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, tạc lại hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời với dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng. Ngày nay, du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô theo đường mòn từ chân núi lên đỉnh núi tượng đài Thánh Gióng.
Tọa lạc ở độ cao 110m so với chân núi, chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự nằm trong không gian thoáng đạt, yên tĩnh. Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, chùa Non Nước được xây dựng với thế “Long Chầu Hổ Phục”, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng, núi Đá Đen, núi Đồng Sóc…
Trong chùa Non Nước có thờ pho tượng Phật Tổ Như Lai đúc bằng đồng đúc liền nguyên khối. Đây là bức tượng Phật tổ Như Lai đúc liền khối lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, nặng khoảng 30 tấn, cao hơn 8m.
Tuy không nằm trong quần thể di tích lịch sử Đền Gióng, nhưng trên đường di chuyển xuống núi, bạn có thể ghé vào địa điểm này để chuyến đi của mình thêm nhiều trải nghiệm. Học viện Phật giáo Việt Nam là một khu vực rộng lớn với quảng trường, tượng đài, giảng đường, thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ, ký túc xá...dành cho các Tăng Ni.
Lễ hội Đền Gióng diễn ra vào ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đến Đền Gióng vào thời gian này là thích hợp nhất để hưởng thụ hết không khí lễ hội đầu năm ở khu di tích linh thiêng này. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, tại khu di tích sẽ diễn ra đầy đủ các nghi thức truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng.
Điểm đặc biệt, trước ngày diễn ra lễ hội, vào đêm mùng 5, 7 thôn làng đại diện cho 7 xã sẽ dâng lễ vật để mời Thần Gióng về cho ngày hội chính thức. Đêm hôm đó được gọi là Lễ Dục Vọng, ghi lễ cầu mong cho dân làng được yên ấm, an vui, cuộc sống bình an no đủ.
Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).
Vào ngày khai hội, dân làng và các du khách thập phương dân hương lên thần Gióng. Vào nửa đêm ngày khai hội sẽ diễn ra lễ Khai quang (lễ Khai quang sẽ thực hiện tắm rửa cho pho tượng Thánh Gióng). Ngày chính hội là mùng 7, ngày Thánh Gióng bay về trời theo truyền thuyết. Vào ngày diễn ra chính hội, Đền Gióng sôi động và hấp dẫn người dân địa phương và du khách thập phương bởi nhiều trò chơi dân gian như chọi gà , cờ tướng, hát ca trù,...
Nghi lễ quan trọng và đáng chờ đợi nhất trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở Đền Sóc (nơi thờ Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre đực sử dụng trong lễ hội được làm từ những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính chỉ 1cm, đầu thanh tre được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau khi diễn ra lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền để những người dự lễ hội lấy làm vật cầu may cho năm mới.
Với phần lễ chém tướng giặc, những người thực hiện nghi lễ sẽ chém một pho tượng, diễn lại cảnh Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng giặc Ân.
Nếu bạn lựa chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì chú ý chuẩn bị kỹ giấy tờ và tuân thủ đúng luật giao thông.
Ngoài ra, khi di chuyển theo hướng đường QL3 thì nên di chuyển chậm, quan sát kỹ vì đường khá hẹp.
Khu di tích lịch sử linh thiêng nên bạn cần chú ý ăn mặc lịch sự, kín đáo, nên lựa chọn giày thể thao và mang theo các dụng cụ cá nhân như mũ, nước uống…
Quanh khu di tích có không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên nên bạn có thể mang theo đồ ăn nhẹ để picnic cùng bạn bè. Nhưng nhớ rằng bạn phải vệ sinh sạch sẽ trước khi ra về nhé!
Với những kinh nghiệm về du lịch Đền Gióng mà Justfly vừa chia sẻ, hi vọng bạn có một chuyến đi thú vị và vui vẻ bên gia đình và bạn bè của mình.
8 评价
Đền Gióng, Sóc Sơn ở đâu?
Đền Gióng nằm ở núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, là một quần thể di tích lịch sử gồm: đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và đặc biệt là bức tượng đài Thánh Gióng được đúc bằng đồng nguyên chất. Quần thể di tích này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Thời điểm thích hợp nhất để đến Đền Gióng?
Đền Gióng là địa điểm khá gần Hà Nội nên bạn hoàn toàn có thể di chuyển tới địa điểm này bất cứ lúc nào. Thời tiết ở đây khá mát mẻ, khí hậu trong lành nên bạn có thể tới đây “tránh nóng”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn thời điểm mùng 6 - mùng 8 tháng Giêng Âm lịch để tới. Thời điểm này tại Đền Gióng tổ chức lễ hội đầu năm trong 3 ngày.
Đêm mùng 5 sẽ cử đại diện 7 xã tới dâng lễ mời Thần Gióng về. Đây còn được gọi là Lẽ Dục Vọng. Mùng 7 là thời điểm diễn ra rất nhiều hoạt động như chơi các trò chơi dân gian, chọi gà, cờ tướng hoặc các hoạt động hát ca trù. Ngoài ra đây là thời điểm dâng hoa tre ở Đền Sóc và chém tướng giặc vô cùng hấp dẫn.
Di chuyển đến Đền Gióng, Sóc Sơn như nào?
Để di chuyển tới Đền Gióng, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc bằng xe bus. Nếu di chuyển bằng xe bus, bạn có thể chọn tuyến bus số 15 từ Gia Lâm đi Phố Nỉ và thuê xe ôm để đi vào khu quần thể Sóc Sơn.
Còn nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể đi theo lộ trình sau đây:
Hướng cầu Nhật Tân: Cầu Nhật Tân - Quốc lộ 5 - chạy thẳng tới Quốc lộ 18 - Đi tiếp rẽ trái tới Quốc lộ 13 - Đi thẳng là tới. Hướng cầu Thăng Long: Cầu Thăng Long - Sân bay Nội Bài - Quốc lộ 18 - Đi theo đường 131 - Quốc lộ 3 - Rẽ trái đi thẳng là tới.
Đền Gióng, Sóc Sơn có mất phí tham quan không?
Du khách tới tham quan đền Gióng không mất phí.
Lưu ý gì khi đến Đền Gióng?