Bệnh phụ khoa thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Jenny Dinh

Jenny Dinh

Reviewer12/12/2023

Bệnh phụ khoa luôn là nỗi lo lắng thường trực và thầm kín của mọi chị em phụ nữ. Bệnh nhẹ thường gây ra khó chịu và mất tự tin trong giao tiếp cuộc sống. Bệnh nặng có thể dẫn đến vô sinh, hoặc các chứng bệnh nặng hơn, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và sức khỏe nói chung. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về loại bệnh này trong bài viết dưới đây.

Nôi dung

  • I. Bệnh phụ khoa là gì?
  • II. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị các bệnh phụ khoa
  • III. Cách phòng tránh và điều trị bệnh phụ khoa

Bệnh phụ khoa luôn là nỗi lo lắng thường trực và thầm kín của mọi chị em phụ nữ. Bệnh nhẹ thường gây ra khó chịu và mất tự tin trong giao tiếp cuộc sống. Bệnh nặng có thể dẫn đến vô sinh, hoặc các chứng bệnh nặng hơn, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và sức khỏe nói chung. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về loại bệnh này trong bài viết dưới đây.


I. Bệnh phụ khoa là gì?

Bệnh phụ khoa là những bệnh lý liên quan tới cơ quan sinh dục của phụ nữ. Các bệnh lý này bao gồm: viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm tử cung, rối loạn kinh nguyệt hay khí hư bất thường.

Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh phụ khoa ngày càng tăng và đa số chị em phụ nữ đều mắc bệnh phụ khoa ít nhất một lần trong đời, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể.

Bệnh phụ khoa - Nỗi lo không của riêng ai

II. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị các bệnh phụ khoa

Bệnh phụ khoa nếu để kéo dài sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Các biến chứng thường gặp gồm có:

  • Viêm âm đạo, viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung
  • Khi sinh sản, nếu vùng kín bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới thai nhi, lây bệnh cho trẻ
  • Nếu để bệnh kéo dài, có thể dẫn đến sảy thai, hoặc sinh non, và tăng nguy cơ hiếm muộn – vô sinh
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày, gây mất tự tin trong giao tiếp, cơ thể mệt mỏi và tinh thần chán nản
Thống kê về bệnh phụ khoa

Nguyên nhân gây ra bệnh phụ khoa được tổng kết ngắn gọn như sau:

  • Nguyên nhân bên trong:

Phụ nữ trải qua nhiều giai đoạn thay đổi trong đời: dậy thì, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh. Mỗi một giai đoạn này, hóc môn trong cơ thể lại có thay đổi, nội tiết tố mỗi thời kỳ một khác, khiến cho môi trường bên trong âm đạo và tử cung cũng thay đổi theo. Khi có sự mất cân bằng của môi trường bên trong sẽ đều gây ra các triệu chứng bất thường, dẫn đến các bệnh phụ khoa.

  • Nguyên nhân bên ngoài:

Trong quá trình sống, phụ nữ chịu tác động của rất nhiều yếu tố bên ngoài cơ thể, như môi trường bụi bẩn, ô nhiễm, nguồn nước sử dụng không sạch, chế độ ăn uống bất hợp lý, lạm dụng chất kích thích, lười vận động, quan hệ thiếu lành mạnh, và căng thẳng mệt mỏi. Các tác nhân này đều gây tác động lên sức khỏe nói chung và theo đó, sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên sức khỏe của vùng kín. Sức đề kháng của cơ thể kém đi, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển, gây bệnh. Trong đó, có bệnh phụ khoa, nỗi lo lắng của hầu hết chị em phụ nữ.

Để có thể chăm sóc sức khỏe và bảo vệ vùng kín khỏi các bệnh phụ khoa, chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, sau đó quan sát các triệu chứng để có những nhận biết thực tế, và tìm đến các chuyên gia uy tín để điều trị bệnh.

Dưới đây là 6 loại bệnh phụ khoa thường gặp.

2.1. Viêm âm đạo

Nguyên nhân của bệnh này là do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn có hại vào bên trong âm đạo. Các loại vi khuẩn có hại này gồm nấm Candina, trùng roi Trichomonas, song cầu lậu khuẩn. Đối với phụ nữ có quan hệ không an toàn, hoặc không vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục, thì rất dễ bị mắc các loại vi khuẩn này, dẫn đến bệnh viêm âm đạo.

Biểu hiện của bệnh viêm âm đạo:

  • Khí hư ra bất thường. Khí hư có mùi hôi; khí hư có màu sắc lạ (Màu bình thường của khí hư là màu trắng trong, khá dai, có thể kéo thành sợi, không mùi hoặc có mùi hơi tanh một chút).
  • Vùng kín bị ngứa, sưng, mọc nốt lạ, có vết loét. Khi tiểu tiện, có cảm giác đau rát.
  • Vùng bụng dưới có triệu chứng như đầy bụng, đầy hơi, căng tức, cảm giác rất khó chịu.
  • Bị đau ở vùng lưng, vùng chậu khi quan hệ tình dục.
  • Chảy máu bất thường ở vùng kín khi quan hệ tình dục.
  • Chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt.
Viêm âm đạo

2.2. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là căn bệnh phổ biến ở cổ tử cung, thường gặp ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và đã sinh con. Theo thống kê, đến 25% trường hợp phụ nữ mắc bệnh này. Nguyên nhân là do tình trạng xâm lấn quá mức của các tế bào tuyến phía trong ra bên ngoài cổ tử cung, cùng với sự tiết dịch vùng kín đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm, trùng roi tấn công âm đạo và gây ra bệnh.

Bệnh được chia làm 3 cấp độ: Cấp độ 1, Cấp độ 2 và Cấp độ 3, với mức độ nghiêm trọng tăng dần, và tương ứng với từng liệu pháp điều trị thích hợp.

  • Dấu hiệu của cấp độ 1 chủ yếu là khí hư ra nhiều, có màu bất thường (có thể là màu vàng, trắng đục, vàng xanh), kèm theo bọt và có mùi hôi rất khó chịu.
  • Dấu hiệu của cấp độ 2 là triệu chứng như cấp độ 1 nhưng biểu hiện rõ ràng hơn, kèm theo hiện tượng đau rát âm đạo và có thể chảy máu âm đạo bất thường.
  • Dấu hiệu của cấp độ 3 (giai đoạn nghiêm trọng nhất) là bao gồm tất cả các triệu chứng trên, kèm theo đau bụng dữ dội, tiểu buốt, tiểu nhiều, rối loạn kinh nguyệt, cơ thể mệt mỏi, lão hóa nhanh.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung

2.3. Viêm phần phụ

Bệnh viêm phần phụ cũng xảy ra đối với hầu hết chị em phụ nữ, biểu hiện của bệnh rất dễ nhận biết: kinh nguyệt bị rối loạn, khí hư ra nhiều có mùi hôi có lẫn mủ, đau rát vùng kín khi quan hệ, đau phần hố chậu, đau bụng dưới, có thể kèm theo sốt cao và ớn lạnh.

Viêm phần phụ ở phụ nữ

2.4. Viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo do lậu cầu khuẩn, nhiễm trùng Trichomonas hoặc nấm gây ra. Bệnh nằm ở khu vực niệu đạo. Các biểu hiện của bệnh bao gồm:

  • Tiểu đau buốt, tiểu nhiều, tiêu không tự chủ
  • Nước tiểu đục
  • Lỗ niệu đạo sưng đỏ, có dịch mủ tiết ra gây ngứa ngáy vùng niệu đạo
  • Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ có triệu chứng ớn lạnh, đau lưng, ăn uống không ngon, bị đau lan sang cơ quan sinh dục và khu vực hậu môn.
Viêm niệu đạo ở phụ nữ

2.5. Bệnh về kinh nguyệt

Các bệnh về kinh nguyệt rất dễ nhận biết và dễ dàng được phát hiện sớm. Dấu hiệu của bệnh gồm:

  • Kinh nguyệt ra ít, nhỏ giọt. Hoặc kinh nguyệt ra nhiều, ồ ạt, thay băng vệ sinh liên tục.
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn, chỉ khoảng 1 - 2 ngày là hết. Trong khi số ngày có kinh bình thường là 3 - 4 ngày.
  • Bế kinh: 2 - 3 tháng mới có kinh nguyệt 1 lần. Trong khi chu kỳ kinh nguyệt bình thường là 28 - 35 ngày có kinh một lần.
  • Không có kinh nguyệt (hay còn gọi là vô kinh) là hiện tượng không có kinh nguyệt từ lúc dậy thì.
  • Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều hơn 80ml/chu kỳ, ra kinh kéo dài quá 7 ngày.
  • Kinh nguyệt ra nhiều lần trong tháng: 1 tháng có kinh 2 lần, thậm chí 3 lần.
  • Đau bụng kinh (hay còn gọi là thống kinh): Biểu hiện đau bụng dưới dữ dội trước hoặc sau kỳ kinh.
Bệnh về kinh nguyệt

2.6. Bệnh về khí hư

Khí hư hay còn gọi là huyết trắng bệnh lý, là dịch tiết của vùng kín. Huyết trắng bình thường có màu trắng như lòng trắng trứng gà, hơi dai, không mùi hoặc hơi tanh.

Tuy nhiên, do nguyên nhân nào đó làm cho âm đạo không còn ở trạng thái khỏe mạnh, thì khí hư sẽ có màu sắc bất thường (vàng, xanh, xám), bị vón cục hay đặc quánh, và có mùi hôi khác thường. Đó là dấu hiệu bạn đang bắt đầu hoặc đã mắc bệnh phụ khoa.

Bệnh về khí hư

III. Cách phòng tránh và điều trị bệnh phụ khoa

Nếu chị em nào chưa mắc bệnh phụ khoa hoặc bệnh chỉ ở mức độ rất nhẹ, như ngứa rát một chút, thì quả thực rất may mắn. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc bệnh phụ khoa trong tương lai. Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu và học cách phòng tránh các bệnh này, để chúng không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta nhé.

Đa phần chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ đã sinh nở, và quan hệ tình dục thì gần như đều mắc bệnh phụ khoa. Khi đó, chị em cần phải có các liệu pháp điều trị phù hợp với từng loại bệnh và mức độ của bệnh.

  • Khi có phát hiện bệnh nhờ vào các dấu hiệu đã nói ở trên, bạn nên thăm khám bác sĩ ngay để kiểm tra và có kết luận đúng về loại bệnh bạn mắc phải.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và kê cho bạn một số loại thuốc, kèm dung dịch vệ sinh phụ khoa.
  • Bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ và thực hiện thăm khám theo lịch hẹn.
  • Bạn nên kiên trì để điều trị dứt điểm bệnh phụ khoa vì khả năng tái phát và lây nhiễm của bệnh phụ khoa là rất cao

Ngoài tuân thủ nghiêm túc các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, bạn cần áp dụng một giải pháp tổng thể cho sức khỏe nói chung. Bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng và thể thao hợp lý, quan hệ an toàn, tinh thần lạc quan và tích cực, và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể.

Nội dung

  • I. Bệnh phụ khoa là gì?
  • II. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị các bệnh phụ khoa
  • III. Cách phòng tránh và điều trị bệnh phụ khoa

Đăng ký nhận ngay khuyến mãi

Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn

Zalo logo
Chat Zalo(8h - 24h)
Chat Facebook(8h - 24h)
(+84) 899 094 678(8h - 24h)