Nguyễn Quang Trung
Travel Expert28/02/2021Hải Phòng - thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam và là một trong những địa điểm có tiềm năng du lịch rất lớn với các công trình kiến trúc độc đáo, khu dự trữ sinh quyển thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nằm tại Quần đảo Cát Bà, các bãi tắm tuyệt đẹp, các khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Đồ Sơn và những hoạt động vui chơi, giải trí thú vị. Không những thế, Hải Phòng còn có một nền ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Sau đây, hãy cùng chúng tôi khám phá nền ẩm thực này qua bài viết “Top 10 món ngon ở Hải Phòng” nhé!
Hải Phòng - thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam và là một trong những địa điểm có tiềm năng du lịch rất lớn với các công trình kiến trúc độc đáo, khu dự trữ sinh quyển thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nằm tại Quần đảo Cát Bà, các bãi tắm tuyệt đẹp, các khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Đồ Sơn và những hoạt động vui chơi, giải trí thú vị. Không những thế, Hải Phòng còn có một nền ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Sau đây, hãy cùng chúng tôi khám phá nền ẩm thực này qua bài viết “Top 10 món ngon ở Hải Phòng” nhé!
Bánh mì que có nguồn gốc từ châu Âu và là một đặc sản hết sức bình dân ở Hải Phòng. Ấn tượng đầu tiên của bánh mì que có lẽ là vẻ bề ngoài lạ mắt, khác với những ổ bánh mì đẫm nhân rau, thịt thông thường; khi ăn vào thì rất ngon miệng và giá siêu rẻ (chỉ khoảng 2.000 VNĐ/ 1 cái).
Bánh mì que có hình dáng trông giống như một cây que rộng cỡ hai ngón tay, có chiều dài khoảng từ 20 - 30 cm. Bên trong cái hình dáng thon dài đó là rất nhiều nhân pate được phết đều, dọc theo lõi bánh mì. So với những chiếc bánh mì đầy đủ “topping” thì chiếc bánh mì que trông có vẻ quá đơn giản nhưng, phải thưởng thức rồi thì mới cảm nhận được vị ngon đặc biệt của nó. Pate được dùng thường được làm thủ công nên có mùi rất thơm, béo ngậy và có màu nâu nhạt trông thật bắt mắt. Sau đó, bánh mì được đem hơ nóng trong lò để ngấm dần chất đạm và mỡ từ pate.
Không những hình dáng và phần nhân bên trong khác lạ mà cách ăn cũng rất độc đáo. Bánh mì que được dùng kèm với một loại tương ớt của người Hoa, có vị cay nồng, chua và thơm dịu. Bạn có thể rưới tương trong ruột bánh hoặc chấm bánh vào đều rất ngon. Bánh mì que nóng hổi, giòn rụm, có vị ngọt béo của patê hòa quyện cùng vị cay cay của tương. Bánh mì que là món ăn hội tụ đủ 3 tiêu chí ngon, bổ, rẻ nên đã và đang được mọi người biết đến nhiều hơn, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Để thưởng thức trọn vị của nó nhất thì hãy dùng cùng với một cốc sữa đậu nành tốt cho sức khỏe hoặc một cốc chè thái mát lạnh nhé.
Bánh mỳ cay và chè thái: 37 Đinh Tiên Hoàng, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Bà Già – Bánh Mì Cay Chính Hiệu : 57 Lê Lợi, Phường Máy Tơ, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bánh mì cay Khánh Lạp: Số 181 Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Bánh bèo là cái tên có vẻ quen thuộc ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, tuy nhiên mỗi vùng, miền lại có một cách chế biến khác nhau. Bánh bèo ở Hải Phòng cũng mang một điểm đặc trưng riêng biệt và nhìn qua trông khá giống với bánh giò.
Bánh bèo được làm từ bột gạo nên có màu trắng đục, to bằng lòng bàn tay và được gói trong những chiếc lá chuối xanh sẫm. Phần nhân được đặt lên trên bột để sau khi hấp, phần nhân sẽ nổi lên để tạo điểm nhấn hấp dẫn cho phần nhìn. Các nguyên liệu để làm nhân khá đơn giản: mộc nhĩ và thịt đều đã được băm nhỏ. Khi ăn, bánh bèo thường sẽ được cắt thành 6 - 8 miếng nhỏ. Người bán sẽ rải đều một ít hành phi lên trên và dùng chung với nước chấm. Nước chấm được pha chế từ nước xương hầm, nước mắm, tỏi, đường, ớt băm. Để ngon miệng hơn, bạn có thêm một ít vị chua của quất, vị cay của hạt tiêu và ăn cùng với rau thơm, giò, chả.
Chỉ với khoảng 10.000 VNĐ, bạn đã có thể thưởng thức một cặp bánh bèo thơm ngon, mềm nhưng không hề nát, và tan dần trong miệng. Vị bột gạo kết hợp với nhân thịt băm thơm đậm đà và nước chấm chua ngọt đã giúp bánh bèo trở thành một món ăn vặt quen thuộc của người dân Hải Phòng vào những buổi xế chiều.
Bánh bèo chị Mây: 64 Chu Văn An, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bánh Giò, Bánh Bột Lọc & Bánh Bèo: 278 Trần Nguyên Hãn, Quận Lê Chân, Hải Phòng.
Bánh bèo cô Diệp: 189 Phan Bội Châu, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Đúng như cái tên của nó, bánh đúc tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc và tuy là đặc sản nhưng lại chỉ được bán ở một vài địa điểm ở Hải Phòng. Mùi thơm nồng nàn của bánh đúc tàu khiến bất kỳ ai đi qua cũng muốn ghé chân vào thưởng thức.
Một lượng bánh đúc tàu nóng hổi, khổng lồ được đặt trong một chiếc khay lớn - đây chính là số bánh đúc sẽ bán ra trong ngày. Những chiếc bánh màu trắng đục, mịn và chắc, được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó, người bán sẽ đặt lên trên bánh một lượng nhân màu vàng nghệ rất hào phóng. Phần nhân bao gồm thịt và tôm rán, đu đủ xắt hạt lựu và mộc nhĩ thái sợi. Thịt được lựa chọn phải là thịt ba chỉ để khi rán lên, thịt và tôm đều giòn tan, dễ ăn mà không hề bị khô, ngấy. Cuối cùng là rưới lên một ít nước mắm giấm ớt có đủ vị chua, cay, mặn ngọt.
Khi thưởng thức một bát bánh đúc còn nóng hổi, thơm lừng, bạn sẽ cảm nhận được vị mềm, dai của bánh; vị thanh, giòn của nhân và nước mắm giấm đậm đà. Không chỉ thơm ngon mà bánh đúc tàu có giá cả hợp lý: 10.000 VNĐ/ 1 bát. Cũng chính vì thế mà bánh đúc tàu trở thành món ăn yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bánh đúc tàu Cát Dài: 186H Hai Bà Trưng, Quận Lê Chân, Hải Phòng.
Bánh đúc tàu Dư Hàng: 7 Dư Hàng, Phường Trại Cau, Quận Lê Chân, Hải Phòng.
Chợ Cố Đạo: Trần Nhật Duật, Cầu Đất, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Cà phê cốt dừa không giống với bất kỳ loại cà phê truyền thống nào mà đặc biệt ở chỗ, phần cà phê sánh mịn lại, nhìn qua trông giống với các món chè. Nguyên liệu dùng để làm cà phê cốt dừa bao gồm: bột cà phê, sữa đặc, nước cốt dừa, dừa khô, trân châu, thạch dừa, thạch sương sáo, dừa nạo tươi và đá lạnh.
Bột cà phê được pha với nước và đánh bọt cho đến khi xốp và có màu nâu. Sau đó là xay nhỏ một hỗn hợp gồm: sữa đặc, nước cốt dừa và một ít đá theo tỷ lệ nhất định trong khoảng từ 2 - 3 phút rồi trộn đều với phần cà phê đã được đánh lên trước đó. Cuối cùng là cho thêm dừa tươi nạo, trân châu, thạch dừa, thạch sương sáo và dừa khô vào lên trên để trở nên đẹp mắt và ngon miệng hơn.
Với cách pha chế độc đáo đó, cà phê cốt dừa có vị thơm của cà phê, dừa và vị béo ngậy của sữa, nước cốt dừa, kết hợp cùng các loại thạch, trân châu dai dai, mềm mềm, cực kỳ kích thích vị giác. Sau những giây phút khám phá thành phố Hải Phòng thì bạn nên dừng lại nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng bằng một ly cà phê cốt dừa mát lạnh với giá chỉ 15.000 VNĐ.
Cà phê cốt dừa Cô Hạnh: 102 Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Cafe cốt dừa cô Hằng: 124A Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Dừa dầm Hải Phòng là thức quà vặt lý tưởng để giải khát, tiếp thêm năng lượng cho những ngày nắng nóng bức, oi ả. Dừa dầm được chế biến từ các nguyên liệu được làm hoàn toàn bằng dừa. Đó là: cùi dừa non nạo sợi, sữa dừa, thạch rau câu dừa và trân châu nhân dừa. Vì thế nên, các tín đồ nghiện “dừa” hãy nhanh chóng lưu lại món này nhé.
Sữa dừa là phần cốt lõi của dừa dầm, và được pha chế từ nước cốt dừa, sữa tươi và sữa đặc theo tỷ lệ nhất định để đạt được độ ngọt, béo và thơm vừa phải. Khi ăn, phần cùi dừa nạo giòn tươi, trân châu dai mềm, thạch mát dẻo kết hợp với vị thơm bùi từ cốt dừa, vị béo từ sữa, và một ít đá lạnh tạo nên một món tráng miệng đặc biệt hấp dẫn.
Với cái hương vị béo ngậy, thơm thơm mùi dừa và giá cả hợp lý (khoảng 15.000 - 25.000 VNĐ) đã giúp cho dừa dầm Hải Phòng dần nổi tiếng và có mặt tại mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, để thưởng thức một cốc dừa dầm chính hiệu thì hãy đặt chân đến Hải Phòng - thành phố nguồn cội của nó nhé!
Dừa dầm cô Tuyến: Số nhà 100, ngõ 124, Lạch Tray, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Dừa Dầm: 100 Phan Bội Châu, Phường Quang Trung, Hồng Bàng, Hải Phòng.
Hải Phòng có một nguồn thủy, hải sản phong phú, vì thế nên nếu đến đây mà không thưởng thức các món ăn đậm vị biển thì thật sự thiếu sót. Chỉ cần đi tới một quán ốc bất kỳ, bạn đã có thể được chiêm ngưỡng và thưởng thức vô số loại thủy, hải sản đó. Ốc ở Hải Phòng có giá rẻ, tươi, con nào cũng rất to, béo và chắc. Vừa ăn ốc, vừa uống một cốc trà đá rồi cùng nhau ngồi lại nói chuyện thì cực kỳ tuyệt vời.
Ngoài món ốc ra, thì chắc hẳn quán nào cũng có những loại hải sản tươi ngon khác như: mực, bề bề, ngao, sò, hàu, ốc, càng cù kỳ..., được chế biến thành đủ các kiểu như các món luộc, xào, hấp, nướng... kết hợp với các gia vị như me, hành, sả, gừng, dừa tươi,... khiến cho các món ăn vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Đặc biệt là các món hải sản xào me có đẫm sốt me sền sệt, độ chua ngọt vừa đủ và các món hải sản nướng phô mai, mỡ hành béo, ngọt thơm rất được nhiều người lựa chọn.
Ốc Thuỷ Dương: 30/263 Lạch Tray, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Quán ốc cô Hà: Ngõ Đồng Lùn, Lê Lợi, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Quán Ốc Sao Biển: 25 - 27 Lê Lợi, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Quán Ốc Cây Xanh: Xóm 6, Đỗ Nha, Tân Tiến, Hải Phòng.
Chỉ với khoảng 20.000 - 30.000 VNĐ, bạn đã có ngay một bữa ăn đầy đủ với một tô bún cá cay siêu nhiều “topping”. Bún cá cay Hải Phòng là kết hợp tinh tế giữa hương vị của biển, vị đồng quê và vị cay đặc trưng theo khẩu vị của người dân địa phương.
Một tô bún cá cay thập cẩm bao gồm: bún, cá rán, chả cá hấp, chả cá chiên lòng cá, giò tai, dọc mùng và nước dùng bún cá đậm chất miền biển được ninh từ đầu và xương cá nên rất thanh. Nước dùng ở đây không pha chế từ chanh, giấm mà là nước me giúp cho tô bún cá vừa cay vừa thanh. Loại cá được sử dụng có thể là cá biển, cá nước ngọt, hoặc trộn lẫn như: cá thu, basa, trắm, rô đồng,... - đều có thịt săn chắc và được rán lên để giảm tối đa vị tanh. Khi thưởng thức một tô bún cá thơm chua đậm đà, người ta thường ăn kèm với rau sống, hoa chuối, muống chẻ, tương ớt và các loại rau thơm.
Bún cá cay Lê Lợi: 66 Lê Lợi, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bún cá cay Thắng Tồ: 49 Lạch Tray, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bún cá cay Huy Trang: 3/343 Phủ Thượng Đoạn, Quận Hải An, Hải Phòng.
Bún cá cay 99: 99 Đường 25/10, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Bánh đa cua là đặc sản địa phương dân dã nổi tiếng mà nhất định bạn phải thưởng thức khi tới Hải Phòng nhé. Cua có rất nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và có nhiều lợi ích như: giảm cân, tim khỏe mạnh, thị lực tốt và ngăn ngừa ung thư.
Bánh đa cua nơi đây có hai loại chính: bánh đa cua bể và bánh đa cua đồng. Cả hai loại đều có màu sắc rất đẹp, nhờ màu màu đỏ thẫm của sợi bánh đa và những nguyên liệu dùng kèm được đặt phía bên trên. Sợi bánh đa dai mềm, nước dùng đặc quánh gạch cua. Một tô bánh đa cua đầy đặn còn có các thành phần bổ dưỡng khác như: thịt, càng cua, nem cua bể, cua xào, chả cua, chả cá, chả lá lốt, cá chiên, tôm, giò tai... và các loại rau như: rau muống, giá đỗ, rau cần,...
Bánh đa cua có vị ngọt từ nước dùng, vị thanh từ cà chua và các “topping” vô cùng thơm ngon. Để làm dậy mùi thơm và làm dịu mùi tanh hải sản thì hãy cho thêm một ít mắm tôm, ớt chưng, giấm ớt nhé. Một tô bánh đa cua có giá khoảng 30.000 - 50.000 VNĐ và bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở ven đường, trong những con hẻm nhỏ hay các nhà hàng sang trọng.
Quán Bà Cụ – Bánh Đa Cua Bể: 179 Cầu Đất, Ngô Quyền, Hải Phòng.
Nga Quán – Bánh Đa Tôm & Cua: 142 Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng.
Bánh Đa Cua Bể Cầu Đất: 195 Cầu Đất, Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bánh Đa Cua Đồng – Cát Dài: 124 Nguyễn Đức Cảnh, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng.
Nem cua bể thơm ngon, đậm chất biển có xuất xứ từ vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Nem cua bể gồm các nguyên liệu tươi ngon như: Tôm hấp chín bóc vỏ, thịt cua, mực, cà rốt, hành tây, bánh đa nem, miến, giá,... Để làm ra nem cua bể phải trải qua rất nhiều bước phức tạp nhưng thành quả cuối cùng lại rất chiều lòng mọi người.
Nem cua bể Hải Phòng có màu vàng ươm, lớp vỏ giòn rụm, mùi nem thơm lừng và nhân ngọt béo, thấm đẫm gia vị. Món nem này thường được dùng trong các bữa tiệc, và ăn kèm với bún, nước chấm và rau sống, thông thường. Đơn giản hơn, bạn cũng có thể thưởng thức cùng nước chấm chua ngọt, tương ớt. Nếu bạn cảm thấy yêu thích món ăn này thì hãy mua về làm quà cho người thân, bạn bè cùng thưởng thức nhé!
Nga Nem Cua Bể: 92 Trần Nhật Duật, Cầu Đất, Ngô Quyền, Hải Phòng.
Quán Bún Chả Phương Mai: 87 Cát Cụt, An Biên, Lê Chân, Hải Phòng.
Lẩu cua đồng ấm nóng, nước dùng đậm đà và đồ nhúng đa dạng đã trở thành một món ăn không thể bỏ qua khi tới Hải Phòng, đặc biệt là vào những ngày mưa, thời tiết se lạnh.
Cua đồng Hải Phòng ngọt nước, chắc thịt nên nước dùng lẩu cũng rất thơm ngon, đặc sệt gạch và thơm mùi cà chua, sả, gừng,... Để ăn lẩu một cách hoàn hảo nhất thì không thể thiếu một loạt đồ nhúng tươi rói, đa dạng như: thịt bò thái mỏng, giò sống, dạ dày, lòng lợn non, chả cá, rau sống, hoa chuối, mồng tơi, rau thơm,... Nếu như lẩu bình thường sẽ nhúng mì tôm thì lẩu cua đồng lại dùng bánh đa đỏ - hương vị thứ thiệt không thua kém gì so với bánh đa cua.
Lẩu Cua đồng Minh Quỳnh: 188 Văn Cao, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Quán Hương: 7, Phạm Bá Trực, Phường Quang Trung, Hồng Bàng, Hải Phòng.
Lẩu Cua Đồng Văn Cao: 302, Văn Cao, Đằng Giang, Quận Hải An, Hải Phòng.
Phương Anh – Bò Nướng, Lẩu Cua Đồng: 9 Phố Trần Quang Khải, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Đặc sản Hải Phòng có nhiều cái tên lạ mà dễ thương quá phải không? Cháo khoái không chỉ lạ ở tên mà từ màu sắc đến nguyên liệu cũng lạ không kém. Cháo khoái được chế biến từ lá rau ngót hoặc lá dứa nên có màu xanh vô cùng đặc biệt, khác với các loại cháo khác thường có màu trắng của gạo, nhớ đến cháo khoái, người ta thường nhớ đến một màu xanh cốm đặc trưng.
Nguyên liệu chủ yếu vẫn là gạo nhưng là gạo xay, xương lợn ninh nhừ để lấy nước ngọt, lá ngót hoặc lá dứa cũng được xay nhuyễn để chắt nước. Ngoài tác dụng tạo màu, rau ngót hay lá dứa cũng giúp vị cháo thơm hơn. Khi ăn cháo khoái, người ta sẽ rắc thêm chút đậu xanh và hành khô được phi thơm trước.
Giữa trời đông lành lạnh hay những ngày mưa mà được ăn một bát cháo khoái, lại trò chuyện cùng lũ bạn thì thật lý tưởng xiết bao. Bát cháo ngọt đậm vị ngọt của nước xương, thơm mùi gạo xay, lại thoang thoảng mùi lá rau ngót, lá dứa thanh thanh,cùng vị ngậy của hành phi, cái bùi bùi rõ rệt của đậu xanh, vừa ấm cái bụng lại vừa hấp dẫn, ngon miệng đến mức ai đã nếm qua đều khó lòng quên được.
Địa chỉ:
18 Chợ Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Chợ Cột Đèn.
56 Phạm Minh Đức, Hải Phòng.
Bên cạnh bánh đúc tàu thì sủi dìn cũng là một món ăn vặt nổi tiếng và được nhiều người dân Hải Phòng ưa chuộng. Đặc biệt là vào những ngày lành lạnh, một bát sủi dìn để tráng miệng sau bữa cơm chiều thì ấm bụng vô cùng. Sủi dìn hơi giống với bánh trôi tàu, tuy nhiên hương vị của sủi dìn cay nồng hơn và viên bánh cũng được nặn nhỏ nhắn hơn.
Nguyên liệu chính để làm sủi dìn khá đơn giản và dễ tìm, thường bao gồm có bột nếp để làm vỏ bánh, dừa nạo, đường thốt nốt hoặc mật mía, gừng tươi. Mỗi nguyên liệu lại có một công dụng khác nhau làm nên hương vị bát sủi dìn ấm nóng đi vào lòng người. Đặc biệt gạo để làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, công đoạn làm sạch gạo, xay, nhào bột, hút ẩm,... khá phức tạp để làm ra loại bột nặn bánh mềm và ngon.
Nếu như nhân bánh trôi tàu thường là đậu xanh hay đường đỏ, thì nhân sủi dìn lại gồm vừng đen, lạc rang giã nát. Nặn bánh xong sẽ đem luộc đến khi chín thì vớt ra bát, chan thêm chút nước đường được nấu từ mật mía hay đường thốt nốt lẫn gừng tươi vừa cay nồng lại ngọt đậm đà. Màu cánh gián sóng sánh của nước đường hòa lẫn màu trắng ngần của sủi dìn trông vô cùng đẹp mắt. Hương vị thì ngậy, bùi, đậm đà cùng cảm giác dai dai mềm mềm của viên sủi dìn tan trong miệng khiến người ăn khó lòng chối từ.
Ngày nay, người ta còn trộn thêm các nguyên liệu tự nhiên vào bột bánh để tạo ra các viên sủi dìn với màu sắc hấp dẫn, cuốn hút.
Với người dân xứ cảng, giá bể từ lâu đã là một hải sản quen thuộc, nhưng với nhiều người, đây vẫn còn là một loại nguyên liệu xa lạ mà chỉ những ai sành ăn mới biết đến. Giá bể có hình dạng khá giống con trai, to bằng ngón tay cái, nhưng chân lại dài lêu khêu như cái giá đỗ, sống trong các bãi cát ven biển - cũng chính là lý do người ta gọi là giá biển. Thịt của giá biển có vị ngọt và rất ngon, dễ chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như gỏi giá bể, giá bể xào, …
Trước khi chế biến thành món ăn, giá bể thường được ngâm khoảng 6 tiếng mới hết chất bẩn. tùy vào cách chế biến, giá bể sẽ được tẩm ướp theo những loại gia vị riêng. Giá bể tường có màu vàng nghệ đẹp mắt sau khi nấu xong, hòa quyện cùng chút nước sốt, chút rau thơm và đặc biệt là chí chương của Hải Phòng thì ngon tuyệt. Chân giá bể chính là phần được nhiều người yêu thích và cúng là thương hiệu của thứ hải sản này. Dài đến 5 cm, nhìn như sợi giá đỗ, nhưng ăn lại rất giòn, ngọt. Chân giá thường được người dân ở đây làm nộm, gỏi, kèm với các loại rau, ăn vừa thơm mát, lại vừa dai giòn.
Có thể thấy, nền ẩm thực tại Hải Phòng vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều món ăn mới lạ và hấp dẫn về cả tên gọi, hương vị và cả cách chế biến. Nếu có thể, bạn hãy làm ngay một “tour” du lịch ẩm thực để khám phá những món ăn ngon, độc đáo và đậm chất Hải Phòng nhé.
Đến với miền đất Cảng chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với món nem hải sản Hải Phòng – một món ăn đặc trưng hấp dẫn. Với truyền thống nem hải sản Bảo Khang đứng đầu số 1 ở Việt Nam chuyên cung cấp em hải sản đặc sản của Đồ Sơn. Sự khác biệt giữa nem hải sản đặc sản Hải Phòng với những địa phương khác chính là ở thành phần hải sản và loại bánh đa sử dụng để gói nem.
Để làm nem hải sản, người chế biến đã phải rất kỳ công trong khâu lựa chọn hải sản với thành phần là cua bể và tôm. Hai loại hải sản này được lấy từ vùng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, không cần quá to nhưng thịt phải trắng và giàu chất đạm.
Để mùi vị nem được ngon hơn, người chế biến phải hấp cua và tôm khoảng chừng 15 phút để giữ nguyên được vị ngọt của thịt và nước, tiếp đó trộn lẫn với một vài nguyên liệu khác như mộc nhĩ, nấm hương, trứng gà, thịt nạc xay nhuyễn, giá đỗ, miến, hạt tiêu,... để làm nhân và gói thành hình chiếc nem vuông to gần bằng nắm tay.
Khi bữa cơm của bạn có nem hải sản sẽ giúp thực đơn của gia đình trở lên phong phú hơn, giúp xương chắc khỏe hơn nhờ có nhiều loại hải sản và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết vì có thêm thịt và rau củ các loại nữa đấy.
Món nem hải sản này theo truyền thống của người Đồ Sơn thì thường chấm cùng với tương ớt nhưng bạn cũng có thể sáng tạo sử dụng nhiều loại nước chấm khác nếu bạn thích như bát nước chấm pha cay ngọt ăn kèm một số loại rau sống và bún. Từ đó, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà đậm đà đặc trưng của món nem vuông hải sản được chế biến theo phương thức rất riêng của người dân đất cảng Hải Phòng.
Giá tham khảo: 98,000 VNĐ/ hộp/ 14 cái.
Địa chỉ: 17/157 Sơn Hải, Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng
Hầu hết mọi người tìm đến bãi biển Đồ Sơn Hải Phòng để có những trải nghiệm tuyệt vời với các dịch vụ bãi tắm và hải sản nơi đây. Nhưng ít ai biết rằng, Đồ Sơn cũng có các món ăn dân dã như bánh cuốn siêu đỉnh. Khác với những địa phương khác, bán cuốn ở đây được kết hợp với tôm biển vô cùng đậm đà và đặc sắc.
Đây là một món ăn không quá phức tạp và cầu kỳ, tuy nhiên nhờ vào sự khéo léo và tài tình của người dân bản địa mà món ăn này trở nên nổi tiếng và thu hút du khách gần xa khi đến với mảnh đất Đồ Sơn, Hải Phòng.
Nếu như bánh cuốn nhân thịt mang lại cho thực khách cảm nhận hương vị đậm đà và béo ngậy của thịt lợn, âm thanh giòn giòn của mộc nhĩ thì bánh cuốn tôm lại hoàn toàn khác. Bánh cuốn nhân tôm Đồ Sơn có vỏ bánh siêu mềm mại, nhân với thịt tôm tươi ngọt nhưng vẫn giữ trọn được hương vị mặn mòi của biển cả, tạo ra một món ăn thơm ngon, độc nhất vô nhị.
Theo như người dân Đồ Sơn, để làm được món bánh cuốn nhân tôm thơm ngon đặc biệt như vậy thì mọi người phải thật cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu. Để bánh cuốn được mềm mại và thơm mùi gạo thì phải được làm từ gạo xay bột loại trắng, dẻo, thơm thì vừa ngon lại bảo đảm tính thẩm mỹ. Nhân tôm thì phải chọn loại tôm biển to, tươi ngon và được đánh bắt ngay trong ngày. Tôm bóc nõn phơi một nắng cho se lại, tiếp đó băm nhuyễn, vừa xào vừa canh sao cho không quá khô, cũng không được quá mềm. Bánh cuốn được tráng mỏng bằng tay, hấp chín ở trên nồi hơi nước, rồi khéo léo cuộn bọc nhân tôm ở chính giữa.
Điểm đặc biệt của món bánh cuốn nhân tôm này chính là ở nước chấm. Nước chấm bánh cuốn được pha chế bằng nước mắm chắt Đồ Sơn, cho thêm chút đường, ớt tươi thái lát, nước chanh sao cho có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Bánh cuốn nhân tôm ăn ngon nhất khi còn nóng. Chúng được ăn kèm với nhiều loại rau sống như kinh giới, mùi tàu, húng Hà Nội,...
Đã từ lâu, vào mỗi dịp lễ hội chọi trâu là du khách trong và ngoài nước lại nô nức ùa về Đồ Sơn để được sống trong cảnh lễ hội độc đáo của cả nước. Họ đến để được chứng kiến những màn đấu, màn rượt đuổi ngoạn mục của những ông trâu và sau mỗi một lần kết thúc lễ hội, mọi người lại được thưởng thức một món ẩm thực cực kỳ ngon và độc đáo đó là món thịt trâu chọi.
Để được thưởng thức món thịt trâu chọi thì không phải lúc nào cũng muốn là được, bởi món ăn độc đáo này chỉ có trong 2 ngày mùng 8 tháng 6 và mùng 9 tháng 8 âm lịch thôi. Món ăn này được chế biến từ thịt trâu chọi cũng đơn giản như các món ăn được chế biến từ thịt trâu thông thường, song phàm là ai đã từng được thưởng thức món ăn từ thịt trâu chọi mới thấy được hết hương vị của thịt trâu chọi: ngọt, thơm, ngậy và không dai.
Thịt trâu chọi Đồ Sơn khác hẳn so với thịt trâu thông thường, trước hết là về mặt tâm linh, người Đồ Sơn cho rằng trong lễ hội, được thưởng thức món thịt trâu chọi sẽ đem lại may mắn cho cả năm, bởi vì khi vào dịp lễ hội trâu được tôn thành “ông” và được chăm sóc vô cùng chu đáo. Loại cỏ cho trâu ăn cũng phải là loại cỏ có độ dai và nhiều chất để khi nhai lại vẫn còn dinh dưỡng cho trâu. Ngoài cỏ thì trâu thường được người nuôi cho ăn ngọn mía, thỉnh thoảng cũng cho ăn thêm cháo trộn với thuốc bổ, chính vì thế mà trâu được nuôi để chọi thường có sức khỏe rất tốt, độ lì cao.
Thịt trâu chọi là một trong các món ăn độc đáo của vùng đất Đồ Sơn mà không phải nơi nào cũng có. Một năm du khách chỉ có 2 lần được thưởng thức món ăn tuyệt vời này và khi đã được trải nghiệm rồi có lẽ sẽ không bao giờ quên.
Các món ruốc vẫn luôn được nhiều người, đặc biệt là các bé nhỏ vô cùng yêu thích. Đơn giản vì chúng dễ ăn, tiện lợi lại rất giàu dinh dưỡng. Và ruốc cá hồi chính là một trong các món ruốc được nhiều bà mẹ bỉm sữa truyền tại nhau làm cho bé cưng ăn, nhất là trong giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm. Vì ruốc rất thơm, thịt cá lại chắc, béo ngậy nên dù bé nhà bạn có kén ăn đến mấy thì cũng khó lòng từ chối.
Từ nguyên liệu cá hồi tươi và bằng công thức đặc biệt, người ta đã tạo ra món ruốc cá hồi thơm ngon, bổ dưỡng. Sở dĩ loại ruốc này được các bà mẹ chuộng dùng cho các bé vì trong cá hồi có rất nhiều dưỡng chất, tốt cho sự phát triển của trẻ, nhất là trí não. Như DHA tốt cho não bộ, tiếp theo là protein và amino acid tốt cho hệ tim mạch, còn canxi, vitamin và khoáng chất tốt cho sự phát triển của xương.
Đặc biệt, món ruốc cá hồi Hải Phòng được làm từ 100% cá hồi tươi, chất lượng vô cùng tốt. Sản phẩm được sản xuất dựa theo phương pháp sấy và kiểm soát độ ẩm tiên tiến nên ruốc khô bảo quản được tới 6 tháng. Ruốc cá hồi hải Phòng có mùi thơm ngon, khô tơi nhưng vẫn ngọt thịt, kích thích vị giác của bé mà lại không sử dụng chất bảo quản. Hoặc bạn cũng có thể mua cá hồi tươi từ vùng biển Đồ Sơn về rồi tự làm cũng rất tốt.
Cũng đã có rất nhiều bà mẹ lựa chọn giải pháp này để làm ruốc cho bé ăn dặm. Có rất nhiều phương pháp tự làm ruốc cá hồi khác nhau được chia sẻ trên mạng, bạn có thể lựa chọn cách phù hợp với bản thân mình nhất để thuận tiện cho việc chế biến nhé. Tuy nhiên ruốc cá hồi tự làm thường chỉ để được khoảng từ 10 đến 15 ngày trong ngăn mát tủ lạnh thôi nên bạn có thể cân nhắc lựa chọn mua ruốc cá hồi chế biến sẵn nhé!
Có thể thấy, nền ẩm thực tại Hải Phòng vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều món ăn mới lạ và hấp dẫn về cả tên gọi, hương vị và cả cách chế biến. Nếu có thể, bạn hãy làm ngay một “tour” du lịch ẩm thực để khám phá những món ăn ngon, độc đáo và đậm chất Hải Phòng nhé.
Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn