Nguyễn Quang Trung
Travel Expert28/02/2021Bên cạnh các danh lam thắng cảnh hay những địa điểm vui chơi náo nhiệt, ẩm thực cũng là một mối quan tâm lớn với bất cứ du khách nào khi đi du lịch. Ẩm thực không đơn thuần chỉ là một món ăn, làm no cái bụng, hay nếm thử cho vui, ẩm thực còn chứa đựng linh hồn của cả một vùng đất, chứa đựng những giá trị tinh thần được lắng đọng qua từng năm tháng. Thưởng thức một món ăn là cảm nhận cả những giá trị văn hóa, lịch sử, con người của vùng đất nơi ta đặt chân đến. Vậy thì khi đến thăm Chu Lai, mảnh đất thơ mộng của Quảng Nam , món ăn nào bạn nên nếm thử? Bài viết này là tập hợp những món ăn ngon nhất tại Chu Lai mà bất cứ ai cũng nên thưởng thức. Hãy cùng xem thử nhé!
Bên cạnh các danh lam thắng cảnh hay những địa điểm vui chơi náo nhiệt, ẩm thực cũng là một mối quan tâm lớn với bất cứ du khách nào khi đi du lịch. Ẩm thực không đơn thuần chỉ là một món ăn, làm no cái bụng, hay nếm thử cho vui, ẩm thực còn chứa đựng linh hồn của cả một vùng đất, chứa đựng những giá trị tinh thần được lắng đọng qua từng năm tháng. Thưởng thức một món ăn là cảm nhận cả những giá trị văn hóa, lịch sử, con người của vùng đất nơi ta đặt chân đến. Vậy thì khi đến thăm Chu Lai, mảnh đất thơ mộng của Quảng Nam , món ăn nào bạn nên nếm thử? Bài viết này là tập hợp những món ăn ngon nhất tại Chu Lai mà bất cứ ai cũng nên thưởng thức. Hãy cùng xem thử nhé!
Có lẽ ai cũng một lần từng nghe đến “mỳ Quảng” món ăn nức tiếng của miền đất Quảng Nam, được nhắc đến nhiều trong văn học Việt Nam, được du khách trong và ngoài nước vô cùng yêu thích. Vậy thì, nếu đã đặt chân đến Chu Lai, tại sao lại nỡ bỏ qua thức quà đặc biệt này nhi?
Nhìn qua thì cũng giống như hủ tiếu, bún, hay phở, mỳ Quảng được làm từ nguyên liệu chủ yếu là bột gạo. Sau khi nhào thành bột và ủ, người ta sẽ cán mỏng rồi thái thành sợi, nấu chín. Và đương nhiên phải có thêm đồ ăn kèm vô cùng đa dạng, bao gồm thịt heo, thịt gà, cá lóc, nhân lạc rang,... Thêm chút rau sống, thìa nước cốt chanh, trái ớt nữa thì hết ý. Đặc biệt, ăn mỳ Quảng phải có cả bánh tráng nướng nữa thì mới đủ vị và trọn vẹn nhất.
Người ta thường bảo mỳ Quảng là món ăn dễ biến tấu nhất, “ có gì dùng nấy”, nếu thưởng thức mỳ tại nhà, bạn có thể dễ dàng kết hợp nó với bất kỳ loại thức ăn có sẵn nào, từ cua, gà, cá, hay cùng lắm là chút thịt luộc và rau thơm. Mỳ Quảng cũng giống như người dân xứ Quảng, hiền lành, chân chất, giản dị và thân thiện, mến khách vô cùng. Thưởng thức mỳ Quảng phải ăn khi nóng hổi mới là ngon và đúng vị nhất.
Hiện nay bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, và đôi khi còn có thể tự chế biến ở nhà. Tuy nhiên thưởng thức bánh tráng cuốn thịt heo ở Quảng Nam vẫn là một trải nghiệm rất đáng nhớ, bởi mỗi một vùng miền, món ăn này lại mang những nét đặc trưng và hương vị riêng biệt.
Bánh tráng cuốn tai heo của Chu Lai, Quảng Nam thường có bánh tráng, thịt heo đã được luộc sẵn và thái mỏng, đồ ăn kèm như dưa chuột, dứa, ớt, rau sống, rau thơm. Và quan trọng nhất, cũng là linh hồn của món ăn này chính là phần nước chấm. Nước chấm được pha từ mắm nêm, thêm chút tỏi ớt cho dậy mùi, hoặc nếu ai không ăn được thức chấm lạ miệng này có thể kêu một chén nước chấm chua ngọt.
Tuy nhiên để thưởng thức trọn vị nhất thì bạn nhất định phải ăn kèm với loại nước chấm đặc trưng của nơi đây. Lớp bánh tráng mỏng, bên trong có chút rau sống, thêm vài lát thịt heo, dứa chua chua, dưa chuột và vài nhánh rau mùi. Cuộn tất cả và rưới chút nước chấm. Chỉ cần tưởng tượng đến hương vị ngầy ngậy của thịt heo hòa cùng nước chấm và vị thanh mát của rau sống ăn kèm là đã thấy không thể cưỡng nổi rồi đúng không nào?
Bạn cũng có thể gọi thêm bún để cuốn kèm. Bánh tráng cuốn thịt heo thực sự là đặc sản dễ ăn, có nhiều chất xơ lại rất tốt cho sức khỏe, dân dã mà bạn không nên bỏ qua khi đến Chu Lai.
Ngay từ cái tên đã toát lên sự bình dị và dân dã của món ăn này đúng không nào? Chắc hẳn bạn sẽ thấy có chút lạ lẫm và cảm thấy lạ miệng bởi xưa nay, hầu hết sợi phở đều được chế biến từ gạo nhưng phở sắn được làm từ củ sắn, được trồng và chăm bón trên chính mảnh đất Chu Lai dưới bàn tay chăm chỉ và cần mẫn của những người dân thân thiện và hiếu khách của vùng đất này.
Để làm ra được bánh phở ngon, chất lượng, phải mất nhiều công đoạn phức tạp và cầu kỳ. Đầu tiên, người ta phải sơ chế củ sắn, bóc vỏ, làm sạch dưới nước rồi đem phơi khô. Sau khi phơi khô sẽ tiến hành xay thành bột và làm ra sợi phở. Trước khi có công nghệ sấy khô bằng máy như ngày nay, người dân Quảng Nam phải phơi thủ công dưới ánh nắng mặt trời, tuy cực nhọc nhưng lại chứa đựng đầy sự giản dị và chân chất của người dân quê.
Ngoài sợi phở sắn, việc chế biến các nguyên liệu đi kèm như thịt cá, nước chấm cũng rất cầu kỳ mới có thể hoàn thành trọn vẹn hương vị đậm đà của phở sắn, Nước chấm đúng điệu, thêm vài lát chanh, quả ớt, chút rau sống, lạc rang trộn đều tạo nên mùi vị thơm ngon khó cưỡng. Khi thưởng thức phở sắn, thực khách sẽ cảm nhận được cái dai dai, bùi bùi của sợi phở làm từ sắn, cái ngọt của thịt cá, thịt tôm và mùi thơm của các loại rau gia vị đi kèm. Thưởng thức một lần là sẽ khó quên cả đời.
Có lẽ, người dân Quảng khi xưa chế biến ra món phở sắn cũng chính từ sư băn khoăn với việc bảo quản, tiêu thụ sắn của quê mình, ấy thế mà đã tạo ra một món ăn mang đậm hương vị quê hương và tính cách cần mẫn chăm chỉ của con người nơi đây.
Nếu đã đến với xứ Chu Lai thì du khách không thể bỏ qua việc nếm thử các món ăn chế biến từ mực cơm, một loại hải sản thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng nổi tiếng của nơi đây.
Mực cơm của Chu Lai được khai thác chủ yếu từ bãi Ngang, từ tháng 3 đến hết tháng 8. Nếu bạn đặt chân đến đây vào tháng 5 thì hết ý, bởi đây là thời điểm mực cơm rộ nhất, nên du khách cũng sẽ có cơ hội thưởng thức những con mực ngon nhất, thịt dày, ngọt. Mực cơm bãi Ngang tuy kích thước nhỏ nhưng hương vị, độ dai, ngọt thì không chê vào đâu được. Mực cơm là loại hải sản vốn được ưa chuộng vào mỗi dịp hè bởi hương vị béo ngậy, đầy hấp dẫn.
Nếu muốn thưởng thức các món ăn đa dạng từ mực cơm không khó, mực cơm bãi Ngang có thể chế biến ra nhiều món lạ miệng và hấp dẫn từ mực cơm chiên mắm gừng, mực cơm xào khóm, mực cơm nhồi thịt,... Tuy nhiên món ăn chế biến từ mực cơm được du khách ưa chuộng nhất khi đến xứ Quảng vẫn là mực cơm hấp, nghe thì đơn giản nhưng nếu hấp không đúng cách sẽ dễ có mùi và không ăn được.
Khi hấp phải chú ý đến màu sắc của mực, nếu mực chuyển hồng, căng tròn, bóng láng tức là mực đã vừa chín, nếu để chín kỹ quá sẽ mất đị độ ngọt, thơm, giòn, dai đặc trưng của mực cơm. Có một điều lạ nếu ai đã từng đặt chân đến đất Chu Lai để thưởng thức mực cơm đều thấy rõ, người ta thường để nguyên túi mực để hấp. Nếu ăn thử cả hai loại, còn nguyên túi mực và bỏ túi mực, bạn sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên bởi mực cơm hấp để nguyên túi mực ngon hơn rất nhiều.
Khi ăn mực cơm hấp, người ta thường chấm kèm đĩa mắm gừng, thêm chút rau thơm như húng, quế hay ăn kèm bánh tráng nướng. Mực cơm không chỉ là một món ăn chơi, nhâm nhi cùng chén rượu, đây cũng là món ăn xuất hiện nhiều trong các bữa cơm gia đình. Vị béo ngậy, dai, ngọt của mực cơm quyện cùng vị tươi mát của rau xanh, vị đậm đà của nước chấm, tưởng tượng thôi cũng thấy thật khó chối từ.
Hoành thánh vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa, tuy nhiên hiện nay, nó đã trở thành món ăn nổi tiếng và được biết đến rộng rãi ở nhiều tỉnh thành của nước ta. Đến xứ Chu Lai, du khách sẽ được thưởng thức hoành thánh dưới nhiều cách thức khác nhau, vô cùng ngon miệng và hấp dẫn.
Hoành thánh thoạt nhìn qua có hình dạng giống như sủi cảo hay chiếc bánh bao mini, cùng với một lớp bột trắng mịn bên ngoài, nhưng phần nhân bên trong thì lại khác biệt và có khi được biến tấu theo cách ăn của từng nơi. Tuy nhiên nhìn chung thì nhân hoành thánh vẫn thường có thịt tôm, thịt nạc băm nhỏ tẩm ướp thêm gia vị cho đậm đà. Bạn có thể nếm thử hoành thánh chiên, hoành thánh mì, hoành thánh súp, hoành thánh chiên đường,... ở Chu Lai. Mỗi cách chế biến đều có hương vị và đặc trưng riêng nhưng vẫn hấp dẫn và thấm mùi vị của xứ Quảng.
Hoành thánh súp khiến người ta cảm nhận được cái ngọt thanh mát của nước dùng gà, quyện cùng thịt xá xíu và miếng hoành thánh mềm mềm dai dai bao bọc lớp tôm thịt được tẩm ướp đậm đà, thoảng vị ngai ngái của lá hẹ, thực sự chỉ ai đã ăn qua mới có thể cảm nhận được, chứ thật khó để diễn tả hương vị của món ăn này bằng lời.
Khác với nó, mì hoành thánh lại chứa đựng vị cay cay đầu lưỡi với sa tế hòa cùng tép mỡ rán vàng ươm và nước sốt đậm đà. Hoành thánh chiên lại giòn giòn, thơm ngậy ăn kèm nước chấm ngon khó cưỡng. Hoành thánh thật là một thức quà hấp dẫn và dế ăn, quá khó để bỏ lỡ thức quà này khi đến Chu Lai.
Bên cạnh những món ăn chơi như mì Quảng, phở sắn, bánh tráng cuốn thịt heo,... xứ Chu Lai còn ấp ủ một món ăn thơm ngon, bắt cơm và rất chắc bụng mà ai từng thử qua sẽ khó mà quên được, đó là “ cá chuồn kho mít non”.
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”
Mỗi mùa hè đến, trên mâm cơm của người dân xứ Quảng không thể thiếu vắng món “ cá chuồn kho mít non”. món ăn chân quê, giản dị, gắn liền với tuổi thơ của bao người con xứ Quảng, phảng phất mùi khói bếp mẹ đun, hương vị món ăn tay mẹ nấu.
Cá chuồn, một loại cá dễ tìm trong ở thôn quê, vừa rẻ lại ngon, dễ chế biến thành những món ăn khác nhau, nhưng cá chuồn kho mít non lại chính là món ăn được người dân nơi đây vô cùng ưa thích. Cá chuồn sau khi làm sạch được ướp với củ nén đập dập, nghệ tươi, hành tím, ớt trái, hạt nêm, tiêu và nước mắm. Mít non sau khi hái được gọt sạch lớp vỏ gai bên ngoài, làm sạch nhựa, luộc chín và cho vào nồi sau khi cá kho đã vừa chín. Đặc biệt khi làm cá chuồn, người ta thường dùng mủ mít non để khử mùi tanh của cá, không chỉ vậy, mít non chính là thứ nguyên liệu khiến thịt cá bùi và thơm hơn.
Sau khi kho chín kỹ, cá sẽ được bắt ra và đương nhiên là phải ăn kèm với cơm trắng. Cái vị ngậy đậm đà, cay cay của cá ăn kèm với cơm thì khó mà chối từ được, nhất là vào những ngày mưa, có đĩa cá chuồn kho mít non trên mâm cơm thì hết ý. Cá chuồn kho mít non không phải là một món ăn xa xỉ, sang trọng, đây đơn thuần chỉ là món ăn chứa đựng hồn quê xứ Quảng, những ký ức tuổi thơ tươi đẹp ở một vùng đất mộc mạc cằn cỗi, có khó, có nghèo nhưng thấm đẫm tình người.
Măng, một loại nguyên liệu đặc trưng của núi rừng, và ở Quảng Nam, măng mọc khắp các cánh rừng, đặc biệt là vào tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, từ rạng sáng, đâu đâu cũng thấy dáng người đi hái măng. Măng dễ kết hợp với các nguyên liệu, người ta thường ăn măng nấu vịt, măng nhồi thịt, phơi măng khô để nấu chân giò,... Ở Quảng Nam, bạn sẽ có cơ hội được nếm thử một món ăn từ măng vô cùng lạ miệng : măng núi trộn.
Đặc điểm của măng núi là mùi rất thơm, không đắng và dù có luộc qua nước sôi cũng không bị ngả vàng, vẫn giữ được màu trắng như lúc mới hái. Có lẽ đó cũng là lý do người Quảng chọn măng núi để làm ra món ăn này. Sau khi hái về, người ta sẽ bóc lớp vỏ già, khô bên ngoài và chỉ tách lấy phần thịt trắng ngần, non ở bên trong. xắt nhỏ thành sợi chó dễ thấm gia vị. Măng sau khi xắt sẽ được sơ chế qua nước sôi, cho chín thì vớt ra rổ, để ráo nước.
Chuẩn bị xong măng là gần như đã hoàn tất món ăn này, thêm chút dầu đậu phộng, đậu phộng rang, chút rau thơm. Thường thì ăn các món trộn, người ta sẽ cho thêm thịt, tôm và phải chế thêm nước sốt nhưng khi ăn măng núi trộn xứ Quảng, lại không cần cầu kỳ đến vậy. Chút nước mắm tỏi ớt xiêm, trộn đều măng với các nguyên liệu đã chuẩn bị là đủ ngon và hấp dẫn rồi. Măng giòn giòn, mùi đậu phộng rang thơm ngậy, cái cay cay tê tê của ớt xiêm nơi đầu lưỡi, tất cả tạo nên món măng trộn Quảng Nam lạ miệng mà nhớ mãi không thôi.
Nghe qua thì thấy rất dễ làm, nhưng để đúng vị thì măng được chọn phải là măng núi, ớt xiêm xứ Quảng, nên nếu đã một lần đặt chân đến đây nhất định phải thử qua món ăn nức tiếng Quảng Nam này nhé.
Với nhiều người, bòn bon vốn dĩ chỉ là một loại hoa quả ăn chơi, có vị chua chua, ngọt ngọt, và có tác dụng làm mát cơ thể. Nhưng những ai đã từng đến Quảng Nam thì hẳn còn biết, ở đây, người dân thường sử dụng bòn bon như một loại nguyên liệu để chế biến ra một món ăn rất hấp dẫn: gỏi bòn bon.
Gỏi bòn bon là món ăn đơn giản, với những nguyên liệu không cầu kỳ. Đầu tiên là bòn bon, người ta sẽ chọn những trái bòn bon có vỏ vàng nhạt, căng tròn, bởi đây là những trái đang độ chín cây, thịt dày và rất ngọt. Sau đó bòn bòn sẽ được sơ chế, tách múi và bỏ hạt. Bên cạnh nguyên liệu chính là bòn bon thì món ăn này còn có cả tôm ram, thịt ba chỉ, được luộc chín và chút rau mùi như rau răm, mùi,...
Chuẩn bị thêm chén nước chanh pha đường, có chút tỏi ớt, trộn đều các nguyên liệu với nhau và rắc thêm đậu phộng là món gỏi bòn bon đã hoàn thành. Gỏi bòn bon tuy là món ăn đơn giản nhưng đã khiến bao người phải tấm tắc khen ngon trước cái lạ miệng của nó.
Những múi bòn bon thanh mát, ngòn ngọt, kết hợp cùng vị ngậy béo của thịt ba chỉ và tôm, mùi thơm của các gia vị khác quyện vào nhau, khi ăn gỏi bòn bon người ta thường ăn kèm bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng, cái vị giòn của hai thức quà này làm món ăn thêm phần trọn vẹn. Màu sắc của món ăn trông cũng vô cùng đẹp mắt. Gỏi bòn bon vừa ngon lại vừa tốt cho cơ thể, đặc biệt giúp cơ thể thanh mát là một món ăn đáng để thưởng thức khi đến Quảng Nam.
Ram tôm là một món ngon xứ Quảng được nhiều du khách ưa chuộng, có chút giống với món nem của miền Bắc. Tuy nhiên với cách chế biến, cách ăn riêng của người Quảng, ram tôm sẽ có hương vị đăn trưng riêng của vùng quê này.
Nguyên liệu chính của ram tôm thường bao gồm thịt ba chỉ, tôm đồng, bánh đa nem cùng các gia vị tẩm ướp khác. Nếu như nguyên liệu trong món nem của miền Bắc cần phải xay nhuyễn hoặc băm nhỏ thì khi làm ram tôm xứ Quảng, các nguyên liệu sẽ được để nguyên: thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn, tôm đồng làm sạch chỉ cắt bỏ râu và phần đầu, để nguyên vỏ, ướp đều các gia vị như hạt tiêu xay, hành băm nhỏ, đập thêm một quả trứng gà sau đó cuộn trong bánh đa nem được cắt đôi. Mỗi chiếc ram sẽ có một miếng thịt, một con tôm và chút hành lá, được cuốn chặt tay và chiên vàng.
Sau khi chiên, ram giòn, vàng ruộm, nhỏ nhỏ xinh xinh. Muốn ăn ram tôm ngon thì phải ăn ngay khi nóng mới cảm nhận được cái ngậy, béo và giòn đặc trưng của món ăn này. Cũng giống như nem của miền Bắc khi ăn ram tôm, người Quảng cũng thường ăn kèm với rau sống và nước chấm chua ngọt. Ram tôm là món ăn thường xuất hiện trong các mâm cơm gia đình, cỗ bàn, ăn với cơm hay ăn với bún đều ngon và dễ kết hợp.
Đến xứ Quảng mà lang thang khám phá thì đâu đâu bạn cũng dễ dàng tìm thấy món ăn này. Bánh tráng đập là món ăn dân giã của người dân Quảng. Nếu đã là người xứ Quảng, ai ai cũng biết món ăn này.
Nghe cái tên khá lạ và hay ho chắc hẳn ai cũng thắc mắc tại sao món ăn này lại có tên là “ bánh tráng đập”? Vậy thì nhất định bạn phải ghé xứ Quảng để thưởng thức món ăn này thì mới hiểu được. Đó là bởi vì trước khi ăn bạn phải dùng tay đập. Bánh tráng đập gồm có hai phần chính: lớp ngoài là bánh tráng giòn được nướng vàng đều trên lửa than, lớp trong là phần bánh ướt mềm và dẻo.
Khi ăn, bạn sẽ phải dùng tay ép cho lớp bánh dẻo dính vào hai lớp bánh tráng giòn, hoặc đập nhè nhẹ thì phần bánh tráng giòn cũng sẽ vỡ ra và dính vào lá mì ướt. Bánh tráng đập sẽ được ăn kèm với chả giò, chấm với mắm nêm dân giã. Mắm nêm ngon là loại mắm có kèm hành phi, dừa và dầu ăn. Chỉ ăn bánh tráng đập với loại mắm này mới có thể cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ăn này.
Lớp bánh giòn tan trong miệng rồi đến cái mềm dẻo của bánh tráng ướt, quyện cùng vị đậm đà của mắm nêm kết hợp với nhau thì thật là hấp dẫn và khó cưỡng. Một món ăn chứa đầy sự giản dị, mộc mạc, chân phương như những người dân xứ Quảng hiền lành, giản dị, hiếu khách.
Bánh tổ có nguồn gốc từ xa xưa, tương truyền đây là loại bánh được mẹ u Cơ làm ra để cho các con ăn trước khi các con lên núi, xuống biển theo cha Lạc Long Quân. Tuy nhiên, cũng có chuyện cho rằng loại bánh này xuất hiện vào thời vua Quang Trung, là loại lương thực đi đường khi nhà vua tiến quân ra Bắc dẹp loạn. Là một loại bánh truyền thống, lâu đời và không thể thiếu trong những ngày lễ, giỗ chạp của người dân nơi đây.
Gạo nếp và đường là hai nguyên liệu chính để làm ra bánh tổ. Ai đã từng ăn qua bánh tổ sẽ biết bánh ngon là bánh phải có độ dai - dẻo vừa phải, vị ngọt thanh chứ không ngọt lịm, điều này phụ thuốc khá lớn vào nguyên liệu làm bánh, phải là loại gạo nếp ngon và chất lượng nhất. Tùy thuộc vào loại đường được sử dụng khi làm bánh mà màu sắc bánh sẽ khác nhau, thông thường sẽ có màu trắng, ngà, hoặc cà phê sữa là phổ biến nhất. Nhìn hình dáng của bánh tổ giống như chiếc bát con được bọc quanh bởi lá chuối, bến trên mặt bánh là một lớp vừng.
Nhiều người lần đầu nếm qua món bánh này sẽ nghĩ chỉ có một cách ăn, tuy nhiên, bánh tổ có nhiều cách thưởng thức hơn thế. Người ta có thể để ăn sống như được bày sẵn, hoặc chiên giòn, ngon nhất là nướng lên. Mỗi cách ăn lại khiến thực khách cảm nhận được mùi vị khác nhau của bánh tổ. Ví dụ như ăn sống thì sẽ đậm vị ngọt của đường và cái cay nồng của gừng quyện vào cái mềm dẻo của gạo nếp. Bánh tổ chiên lại giòn tan, thơm nức mùi vừng. còn bánh tổ nướng lại dậy mùi gạo nếp hơn cả, lẫn với đường được nung chảy, thường khi nướng người ta sẽ ăn cùng bánh tráng.
Bánh tổ là một loại đặc sản thơm ngon, được nhiều du khách ưa thích. Cũng bởi loại bánh này có thể để được lâu, dễ mang đi, nên cũng là thứ quà được ưa chuộng để mua về cho người thân.
Nem nướng hiện nay đã khá phổ biến và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, tuy nhiên với xứ Quảng đây vẫn luôn là món ăn đặc sản nổi tiếng. Đây là một món ăn vặt được người dân nơi đây rất yêu thích, tùy theo từng nơi sẽ có hương vị và cách chế biến khác đi, ở Chu Lai cũng vậy, Tuy nhiên tựu chung thì nem nướng chủ yếu được chế biến từ các nguyên liệu như thịt heo ba chỉ nhiều nạc, ít mỡ, cùng các gia vị như tỏi, ớt. Sau khi sơ chế sạch sẽ, thịt sẽ được tẩm ướp gia vị và đem xay, rồi dùng tay nắm vòng banh đũa tre và đem nướng.
Khi ăn người ta thường ăn kèm rau sống và các loại rau thơm như húng, tía tô, kinh giới,... Và nước chấm là một phần quan trọng không thể thiếu của món ăn này. Người Quảng pha nước chấm khá đơn giản, chỉ cần pha nước chấm chua ngọt, thêm chút đậu phộng rang xay lên trên là đã vô cùng tuyệt vời rồi.
Bánh tráng mềm mềm, sau đó là rau sống, thêm các loại rau ăn kèm như dưa leo, đu đủ thái lát muối, tía tô,.. đặt nem vào giữ lấy phần thịt rồi dùng tay rút ra, sau đó cuốn thịt vào, chấm nước chấm là có thể thưởng thức được. Cái vị béo ngậy của thịt kết hợp cùng rau sống tươi mát, thêm cái chua chua cay cay của nước chấm nữa thì thật sự quá tuyệt vời. Đây là một món ăn rất tốn, đặc biệt vào những buổi chiều lành lạnh, ngồi bên những xiên nem nướng nóng hổi thì còn gì hấp dẫn và cuốn hút hơn?
Từ trước đến nay, xương rồng vốn chỉ được biết đến là một loại cây cảnh được dùng để trang trí, nên nghe đến chế biến món ăn từ xương rồng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Thế nhưng ở xứ Quảng, thực sự có những món ăn bổ dưỡng và thơm ngon được chế biến từ chính loại cây này mà nhất định bạn phải nếm thử nếu có dịp ghé qua nơi đây.
Thực tế, xương rồng là nguyên liệu để chế biến đến hơn 300 món ăn trên khắp thế giới. Ở nhiều nước, xương rồng còn được bày bán và yêu thích như một loại rau và salad. Tuy nhiên, có một điều bạn phải chú ý: không phải loại xương rồng nào cũng ăn được. Loại xương rồng được chế biến thành thức ăn thường là xương rồng lê gai - mỏng dẹt, có hình elip. Đặc biệt thay, ở Quảng Nam, loại xương rồng này lại khá phổ biến và từ lâu đã được người dân địa phương sử dụng nhiều trong các món ăn.
Trước khi chế biến thành món ăn, người ta phải sơ chế xương rồng: gọt bỏ phần gai bên ngoài, thái mỏng, đem luộc ớ qua để loại bỏ nhớt. Luộc đến khi xương rồng chuyển vàng thì vắt ráo nước là đã có thể dùng để nấu ăn.
Những món ăn chủ yếu được chế biến từ xương rồng ở xứ Quảng mà du khách có thể thưởng thức khi đến đây là: xương rồng xào thơm ngậy, đậm đà, canh xương rồng cá lóc nấu chua giải nhiệt, làm mát cơ thể vào những ngày hè nóng bức. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến gỏi xương rồng. Cái vị tươi mát của xương rồng quyện cùng nhận đậu phồng giòn giòn, ngầy ngậy, thêm chút gia vị, rau thơm nữa thì còn gì hơn chứ? Hãy thử thưởng thức những món ăn hấp dẫn từ loại nguyên liệu đặc biệt này nếu có dịp đến xứ Quảng nhé!
Ai đến xứ Quảng mà chưa thử qua “bê thui Cầu Mống” thì thật là đáng tiếc. Từ lâu món ăn này đã trở thành thương hiệu lâu năm của Quảng Nam. Người ta thường chọn bê ít tuổi để thui, vì bê ít tuổi thịt sẽ non và ngọt hơn, lại mềm, và đặc biệt phải là bê nuôi ở đồng bằng, chăn nuôi tự nhiên, ăn cỏ thì chất lượng thịt mới được đảm bảo nhất. Để thịt chín mềm và ngọt, phải thui trên lửa vừa, đến khi da bên ngoài vàng ửng là đạt tiêu chuẩn. Sau đó thịt bên sẽ được cắt thành từng lát mỏng, xếp gọn gàng trên đĩa.
Khi ăn món ăn này, người ta thường ăn kèm giá sống, chuối xanh, khế chua, cải chìa non cùng các loại rau thơm như húng quế, ngò,... thêm cả bánh tráng để cuốn. Phần quan trọng nhất quyết định hương vị của món ăn này chính là nước chấm. Nước chấm bê thui phải được pha từ mắm cái thượng hạng, làm từ cá cơm, cá nục. Sau khi gạn mắm, sẽ cho thêm tỏi, ớt, gừng, vừng rang, nước cốt chanh mới đủ vị.
Miếng bánh tráng mỏng, một chút rau sống, rau thơm, cuối cùng là vài lát thịt bê, hòa quyện vào nhau, chấm thêm chút nước chấm mắm cay cay làm cho vị giác của người thưởng thức được nếm đầy đủ hương vị thơm ngon hấp dẫn của món ăn này. Cái ngọt của thịt, tươi mát của rau lẫn với cái mặn mà của nước chấm hảo hạng quả là khiến người ta cảm thấy thỏa mãn vô cùng.
Địa chỉ:
Bê thui Mười - Quốc lộ 11A. Cầu Mống, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam.
Quán Rô - 8 Bắc Sơn, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Không chỉ xứ Huế mới có bánh bột lọc ngọt, bánh bột lọc xứ Quảng cũng nổi tiếng không kém phần, ai đã ăn qua thì khó mà quên được. Bánh bột lọc xứ Quảng có mùi vị riêng biệt, được chế biến dưới bàn tay chân chất, mộc mạc mang đậm hương vị của làng quê Quảng Nam xưa. Khác với xứ Huế - bánh bột lọc được gói trong lá chuối, ở Quảng Nam, người dân nơi đây sẽ để trần mà bày ra đĩa.
Nguyên liệu chủ yếu để làm bánh bột lọc gồm có tinh bột sắn dây, thịt, tôm. Công đoạn cầu kỳ nhất có lẽ là làm vỏ bánh. Đầu tiên, tinh bột sắn dây hòa đều với nước, thêm gia vị vừa ăn, đem đun sôi, khuấy đều tay để bột không vón cục, rồi ủ qua đêm. Sáng hôm sau lại mang bột đã ủ ra đun trên bếp lửa, quấy đều tay đến khi bột quánh lại, nặng tay thì thôi.
Tiếp theo là nhân bánh, tôm được sơ chế sạch sẽ, để ráo nước, băm nhỏ thịt ba chỉ, xào cùng hành hoa cho dậy mùi. Chuẩn bị xong nhân, người ta sẽ tiến hành gói bánh rồi đem hấp.
Cũng giống như nhiều loại bánh làm từ bột gạo khác, bánh bột lọc khi ăn cũng phải có nước chấm ngon, thường sẽ là nước chấm chua ngọt tỏi ớt. Cắn miếng bánh mềm lẫn với nhân tôm, thịt thơm lừng chan với nước chấm cay cay, chua chua sẽ khiến thực khách cảm nhận được trọn vẹn hương vị thơm ngon cuốn hút của món bánh này. Một số người lại thích ăn cùng nộm đu đủ dai giòn cho đỡ ngấy.
Cùng với bánh bèo, bánh tổ, bánh bột lọc là một thức quà mang đậm phong vị thôn quê, dân giã của Quảng Nam, là ký ức tuổi thơ khó lòng quên được trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Khám phá cảnh đẹp và những địa điểm vui chơi tại Chu Lai, Quảng Nam mà bỏ sót những đặc sản thì thật là đáng tiếc. Thưởng thức ẩm thực của Chu Lai cũng là cách để chúng ta hiểu hơn và nơi này, thêm yêu và trân trọng con người nơi đây. Mong rằng qua bài viết này, chúng tôi đã có thể cung cấp cho các bạn những gợi ý hấp dẫn về các món ngon để trải nghiệm khi đến với Chu Lai.
Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn