Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam: có gì, giá vé, giờ mở cửa?

Bùi Nhật Lệ

Bùi Nhật Lệ

Travel Expert03/10/2022

Địa danh nằm ở một vị trí khiêm nhường trên góc phố Nguyễn Thái Học - Hà Nội. Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội nhìn thật bình yên và xinh xắn giữa chốn phồn hoa đô thị. Từ ngoài phố vào giữa trung tâm khuôn viên bảo tàng chỉ cách vài bước chân. Đặt chân vào đây chúng ta sẽ cảm thấy mọi ồn ào phố thị như bị bỏ lại phía sau lưng. Nếu bạn yêu thích nghệ thuật thì nhất định đừng bỏ qua Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội này nhé!

Nôi dung

  • 1. Thông tin chung về Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 2. Cách đến Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 3. Giá vé và giờ mở cửa
  • 4. Có gì tại Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 5. Những lưu ý khi đến Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 6. Những địa danh khám phá khác gần Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

Địa danh nằm ở một vị trí khiêm nhường trên góc phố Nguyễn Thái Học - Hà Nội. Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội nhìn thật bình yên và xinh xắn giữa chốn phồn hoa đô thị. Từ ngoài phố vào giữa trung tâm khuôn viên bảo tàng chỉ cách vài bước chân. Đặt chân vào đây chúng ta sẽ cảm thấy mọi ồn ào phố thị như bị bỏ lại phía sau lưng. Nếu bạn yêu thích nghệ thuật thì nhất định đừng bỏ qua Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội này nhé!


1. Thông tin chung về Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

1.1. Lịch sử

Theo thông tin giới thiệu về Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, đây vốn là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc vào những năm 30 của thế kỷ XX, với chức năng ban đầu là nơi lưu trú dành cho con gái của các quan chức người Pháp từ khắp Đông Dương về học tập tại Hà Nội.

Sau năm 1945, địa điểm này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Từ năm 1962, công trình được cải tạo thành nơi sưu tập, trưng bày và lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Việt nam từ thời tiền sử cho đến nay. Do đó, kiến trúc Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đã có sự thay đổi từ kiểu dáng thuần Châu u sang kết hợp cùng các đường nét kiến trúc Việt Nam nhằm phù hợp cho chức năng mới.

Năm 1966, bảo tàng mở cửa đón khách tham quan, với khuôn viên rộng khoảng 4200m2 và diện tích trưng bày là 1200m2. Từ năm 1997 - 1999, Bảo tàng được mở rộng lên 4737m2 và trưng bày trên 3.000m2.

Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội

1.2. Vị trí

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tọa lạc tại số 66 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội. Địa điểm du lịch Hà Nội này đang ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết hơn với công chúng, nhất là với những người yêu nghệ thuật.

Sau khi đưa vào hoạt động, nhận thấy những điểm bất cập nên sau đó bảo tàng đã xây dựng một không gian mở, thông qua những hoạt động cụ thể như xóa bỏ biển cấm quay phim chụp ảnh, xây dựng phòng nghe nhìn, không gian sáng tạo cho trẻ em,… Từ đó, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày càng thu hút khách đến tham quan.

2. Cách đến Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

Không khó để có thể di chuyển đến bảo tàng, các bạn có thể sử dụng các phương tiện:

  • Xe máy, xe ôm

  • Xe buýt: 02, 18, 22, 23, 32, 33, 38, 45, 50

  • Taxi, ô tô

3. Giá vé và giờ mở cửa

Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội giờ mở cửa : từ 8h30 - 17h hàng ngày, lễ tết sẽ có thông báo riêng.

Giá vé bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội : trẻ em dưới 06 tuổi - miễn vé, từ 06 đến 16 tuổi - 10.000 đ/vé. Học sinh, sinh viên - 15.000 đ/vé. Người lớn - 30.000 đ/vé. Thuyết minh cho khách thăm quan: 150.000 đ/ lượt.

4. Có gì tại Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

4.1. Nơi lưu giữ các tác phẩm có giá trị

Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội hiện lưu giữ hơn 18000 hiện vật, trong đó có 2000 hiện vật được trưng bày cố định. Bảo tàng có các hiện vật trưng bày thể hiện:

  • Mỹ thuật các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam

  • Mỹ thuật thời kỳ đồ đá và đồ đồng

  • Mỹ thuật qua các triều đại phong kiến Việt Nam

  • Mỹ thuật dân gian và mỹ thuật thủ công nghiệp

  • Mỹ thuật cận đại và hiện đại Việt Nam

Phần trưng bày cố định của bảo tàng bao gồm các chuyên đề:

  • Mỹ thuật thời tiền sử - sơ sử

  • Mỹ thuật từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIX

  • Mỹ thuật đương đại (tranh tượng thế kỉ XX)

  • Mỹ thuật ứng dụng

  • Mỹ thuật dân gian

  • Gốm nghệ thuật Việt Nam từ thế kỉ XI đến thế kỉ XX

Nơi lưu giữ các tác phẩm có giá trị

Trên 20 phòng trưng bày, suốt 3 tầng lầu, người tham quan bị thu hút vào các hiện vật phong phú, với nét sáng tạo độc đáo, óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Việt Nam qua các đời. Từ những đường nét hoa văn rực rỡ trên các bộ quần áo dân tộc, đến những hiện vật bằng tre nứa khá tinh xảo và những bức tranh, gà, lợn đơn sơ mà độc đáo của Đông Hồ, tất cả như đều phảng phất tâm linh dân tộc. Tượng đồng, tượng đá hay tượng gỗ đều đậm đà nét mềm mại, nét riêng biệt của đôi bàn tay Việt Nam khéo léo qua từng thời kỳ. Và dù thuộc phong cách nào, thời đại nào, du khách vẫn cảm nhận được nét riêng mang phong cách rất Việt Nam.

Khác với các hiện vật trưng bày theo tiến trình lịch sử, kho lưu giữ của bảo tàng còn có nhiều hiện vật được hệ thống thành bộ sưu tập và được bảo quản ở từng kho riêng với chế độ bảo quản thích hợp, bao gồm:

  • Bộ sưu tập hội hoạ: 6310 tác phẩm

  • Bộ sưu tập điêu khắc: 993 hiện vật

  • Bộ sưu tập mỹ thuật truyền thống: 2012 hiện vật

  • Bộ sưu tập gốm: 6455 hiện vật

  • Bộ sưu tập mỹ thuật nước ngoài: 400 hiện vật

Bảo tàng mỹ thuật là một kho báu vô giá của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam và là một địa chỉ văn hoá hấp dẫn du khách bốn phương.

4.2. Không gian sáng tạo cho trẻ nhỏ

Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đã chính thức khai trương không gian sáng tạo cho trẻ em vào ngày 21 tháng 5 năm 2011, đây là hoạt động mở đầu trong chương trình Giáo dục mỹ thuật của bảo tàng. Với diện tích 70m2 ở tầng 3 tòa nhà chính, tại đây các em sẽ được các họa sĩ, nhà điêu khắc và cán bộ giáo dục bảo tàng hướng dẫn tìm hiểu, khám phá mỹ thuật dân gian và đương đại, mỹ thuật trong nước và quốc tế.

Tiếp đến, các em sẽ được tham gia 8 hoạt động khám phá trải nghiệm và sáng tạo nghệ thuật như: tô tranh theo mẫu, tô tượng, vẽ tự do, ghép hình, nặn tượng, in tranh dân gian, ghép tranh khuyết, tranh xé dán... Bảo tàng sẽ trở thành sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho các em tiếp cận và tìm hiểu nguồn di sản nghệ thuật quý giá của dân tộc, từ đó giúp các em phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật từ nhỏ.

Không gian sáng tạo cho trẻ nhỏ

5. Những lưu ý khi đến Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

5.1. Không chạm tay vào đồ trưng bày

Một trong những lưu ý đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi tham quan bảo tàng là không tò mò chạm vào bất cứ hiện vật trưng bày nào ở đó. Đây là quy định ở nhiều khu vực trong bảo tàng phải tuân thủ bởi bất kỳ hiện vật trưng bày nào trong bảo tàng đều có giá trị rất lớn và nếu chạm vào, có thể bạn sẽ làm hỏng chúng, hay bị vỡ. Thậm chí một cái chạm nhẹ cũng có thể làm hỏng cả một tác phẩm nghệ thuật hay hiện vật trưng bày.

5.2. Không quay phim, chụp ảnh

Một kinh nghiệm khác khi tham quan bảo tàng là không mang theo máy ảnh. Hầu hết các bảo tàng không cho phép chụp ảnh, tại đây thì tốt nhất bạn nên chiêm ngưỡng bằng mắt hơn là chụp ảnh.

5.3. Tham quan với hướng dẫn viên

Nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu về những thứ trưng bày trong đây thì nên tham quan với hướng dẫn viên. Nếu bạn tham quan cùng với một hướng dẫn viên thì có thể mang theo một cuốn sách hướng dẫn. Đây là cách tốt nhất để hiểu về lịch sử và những thứ quan trọng được trưng bày. Tạo cảm giác thú vị cho chuyến trải nghiệm.

6. Những địa danh khám phá khác gần Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

Nằm ở khu vực trung tâm nên sau khi thăm quan bảo tàng xong các bạn hoàn toàn có thể đến các khám phá các địa điểm khác gần nó.

6.1. Nhà hát lớn Hà Nội

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Đây là một trong những địa điểm thăm quan nổi tiếng tại Hà Nội. Cảm giác thích nhất là ngồi ở hiên nhà hát lớn vào buổi đêm, nghe nhạc và ăn kem Tràng Tiền, ngắm dòng người qua lại.

Nhà hát lớn Hà Nội

6.2. Nhà thờ lớn Hà Nội

Có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, Nhà thờ Lớn Hà Nội được hoàn thành vào năm 1886 - là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi đây có ngai tòa của Tổng giám mục. Đây cũng là một nhà thờ lâu đời ở Hà Nội, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Nhà thờ lớn Hà Nội

6.3. Tượng đài Lý Thái Tổ

Tượng đặt tại Vườn hoa Chí Linh (là tên gọi khác của Vườn hoa Lý Thái Tổ) - người có công khai lập kinh thành Thăng Long. Vườn hoa nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, đặt tại trung tâm thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, vừa được khánh thành vào năm 2004

Tượng đài Lý Thái Tổ

Ngồi bất cứ tại vị trí nào ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội cũng đều thấy thích. Nếu để ý kỹ phát hiện ra khá nhiều du khách sau khi ngắm tranh, vẫn nán lại những ghế đá, gốc cây trong khuôn viên bảo tàng đọc sách và thư giãn. Cảm giác bình yên như chưa hề có bất cứ bộn bề nào đang bất tận ngoài kia. Lách cách trên sân là những đàn chim sẻ hồn nhiên đùa nghịch, chốc chốc lại rủ nhau bay ù lên những tán cổ thụ như chơi trò trốn tìm. Trên khuôn mặt những du khách tham quan, ai cũng lộ rõ sự thư thái và họ sẵn sàng dành cho tôi những nụ cười hồn hậu dù chỉ mới lần đầu gặp mặt. Phải chăng, khi đến đây, con người ta bỗng thấy mình có chung cảm giác an nhiên tự tại? Một nơi thú vị đến thế này, bạn hãy đến khám phá.

Nội dung

  • 1. Thông tin chung về Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 2. Cách đến Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 3. Giá vé và giờ mở cửa
  • 4. Có gì tại Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 5. Những lưu ý khi đến Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội
  • 6. Những địa danh khám phá khác gần Bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội

Đăng ký nhận ngay khuyến mãi

Thông tin khuyến mãi mỗi tháng sẽ được gửi vào inbox cho các chuyến đi của bạn

Zalo logo
Chat Zalo
089 9094 678